Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang phát biểu tại hội nghị.
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đề nghị các đại biểu tham gia góp ý kiến trọng tâm vào một số điều của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục chỉ đạo hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở và khu dân cư tổ chức lấy ý kiến góp ý với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù của địa phương; đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến tham luận, góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Các đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất cao với sự cần thiết, nội dung và phạm vi sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013.
Các đại biểu cho ý kiến cụ thể vào các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp liên quan tới tổ chức đơn vị hành chính; công tác phân cấp, phân quyền của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội; chính sách giải quyết chế độ cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện, cấp xã; giải quyết thủ tục hành chính sau chuyển đổi mô hình chính quyền 2 cấp và sáp nhập đơn vị hành chính…
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Công Thao phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Công Thao, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho rằng, sửa đổi, bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9 của Hiến pháp năm 2013) theo dự thảo khẳng định rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Do vậy, việc sắp xếp các tổ chức chính trị, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cần thiết để thích ứng với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân, đại diện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đề nghị sửa đổi, bổ sung về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (tại Điều 9) cho phù hợp với tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp, tinh gọn các cơ quan của các tổ chức chính trị xã hội, các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hội đề nghị bổ sung thêm trong Hiến pháp, quy định 5 tổ chức đoàn thể là các thành viên nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, tính độc lập của các đoàn thể chính trị - xã hội là cơ sở để đoàn thể phát huy mạnh sự chủ động, sáng tạo của tổ chức và của đông đảo hội viên, đoàn viên.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Thuận Thành Vũ Tiến Hảo cho rằng, với mục 3 Điều 110 Hiến pháp năm 2013 quy định “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”, song theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2025 quy định tại khoản 2 Điều 9, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”.
Do vậy, ông Vũ Tiến Hảo đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 110 theo hướng “Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định”…
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hà cảm ơn sự tham gia đóng góp tích cực, trách nhiệm của các đại biểu. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo cấp trên nghiên cứu, xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định, làm căn cứ để hoàn thiện Hiến pháp, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.