Tàu khai thác thủy sản của ngư dân tại bến cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Tại hội thảo, các ý kiến tập trung thảo luận về cơ chế điều hành, hoạt động của lực lượng Kiểm ngư, việc quản lý tàu cá, dịch vụ hậu cần; giao, cho thuê, thu hồi mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản... Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất việc đưa Kiểm ngư vào nội dung của một chương trong dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi; đồng thời nhất trí thành lập Kiểm ngư ở Trung ương và các tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù.
Hiện tại, lực lượng Kiểm ngư Trung ương đang được tổ chức thành các vùng, hoạt động bảo đảm việc thực thi pháp luật về thủy sản và bảo vệ chủ quyền ở vùng khởi. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương tình trạng vi phạm về đánh bắt thủy sản ở vùng lộng và ven bờ đang diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, yêu cầu của quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải có hệ thống bộ máy đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo đảm ngăn chặn được các hành vi đánh bắt hợp pháp.
Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển bền vững, Hội nghề cá Việt Nam cho rằng: Nguồn lợi thủy sản của Việt Nam ngày càng suy giảm, nếu không có lực lượng bảo vệ biển, nguy cơ cạn kiệt sẽ ngày càng lớn. Do vậy, việc đưa Kiểm ngư vào nội dung của Luật Thủy sản sửa đổi là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Trên thực tế, Việt Nam đã có lực lượng Kiểm lâm, không có lý do gì lại không có lực lượng Kiểm ngư.
Theo ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện nay kinh phí Nhà nước cấp cho hoạt động Kiểm ngư còn quá ít, ảnh hưởng đến khả năng tuần tra, kiểm soát của lực lượng này. Do vậy, dự thảo Luật đã quy định được phép sử dụng một phần ngân sách Nhà nước từ nguồn tiền xử lý vi phạm để xử phục vụ cho các hoạt động của Kiểm ngư.
Một nội dung khác được các đại biểu quan tâm, đó là việc cho giao, cho thuê, thu hồi mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể hơn việc phân cấp UBND cấp huyện trong cho thuê, giao mặt nước biển trong phạm vi 6 hải lý. Đồng thời, xem xét bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy sản tại địa bàn quản lý của UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Bởi vì cấp chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong triển khai việc thực hiện các văn bản pháp luật quy định, phát hiện và xử lý vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản…