Yêu cầu tất yếu
Tại hội thảo, cộng đồng doanh nghiệp khu vực phía Nam cho rằng, sau gần 12 năm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần tạo hành lang pháp lý, nền tảng thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần điều chỉnh, đổi mới để phù hợp với sự phát triển kinh tế, thị trường, nhất là yêu cầu hội nhập thương mại toàn cầu như hiện nay.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi đối với người tiêu dùng, mà còn đối với nhiều bên liên quan như doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ... Vì vậy, trong xây dựng hành lang pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là yêu cầu tất yếu để làm tiền đề cho việc tăng cường hiệu quả thực thi quy định pháp luật trong bối cảnh mới.
Theo ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, một số quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành. Trong dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) lần này, Cơ quan soạn thảo chú trọng những nội dung trọng tâm như xác định phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng Luật này; quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng trong đa dạng giao dịch đặc thù; trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến người tiêu dùng; tranh chấp tại tòa giữa người tiêu dùng với các bên.
Còn ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh vừa là trung tâm kinh tế hội tụ nhiều doanh nghiệp, vừa là một trong những thị trường lớn nhất cả nước, với hoạt động kinh tế, thương mại sôi động. Do đó, ý kiến của các bên liên quan trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, có ý nghĩa thiết thực đối với công tác xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong môi trường cạnh tranh thương mại tự do, nên đã và đang chú trọng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung ứng ra thị trường. Thậm chí một số hiệp hội, doanh nghiệp... còn đặt ra những tiêu chuẩn vượt lên trên yêu cầu của quy định pháp luật trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Điển hình, với mục tiêu thúc đẩy văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng văn hóa kinh doanh quốc gia, VCCI đã công bố Bộ 6 quy định đạo đức doanh nhân. Những quy tắc kinh doanh liêm chính, minh bạch, công bằng, tuân thủ pháp luật... chính là hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhưng trên thực tế, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, cần nhìn nhận thẳng thắn là hiện tại chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn là mảng chính sách phức tạp, đảm bảo thực thi càng không dễ dàng. Hầu hết nền kinh tế, thị trường nào cũng không thể tránh khỏi những xung đột giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển cần phải lấy nền tảng phục vụ tốt người tiêu dùng làm cốt lõi, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Đây cũng là lý do pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần sửa đổi và hoàn thiện không ngừng, nhất là trong bối cảnh phương thức kinh doanh phi truyền thống ngày càng đa dạng, mối quan hệ giữa các bên trong giao dịch thương mại ngày càng phát sinh nhiều khía cạnh mới.
Tạo hành lang pháp lý chặt chẽ
Góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ông Trương Đình Hòa, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề xuất, theo dựa thảo thì quy định dịch vụ công chỉ mới quy định cá nhân, chưa có quy định tổ chức nên cơ quan soạn thảo nghiên cứu và bổ sung thêm vấn đề này vào Luật. Bên cạnh đó, về quy định thương mại, Cơ quan soạn thảo cần bổ sung những quy định cụ thể về thông tin sản phẩm hàng hóa, bởi đôi khi bên mua không phải là đối tượng sử dụng trực tiếp.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ ra rằng, người tiêu dùng hiện nay quan tâm đến những vấn đề sức khỏe, đòi hỏi ngày càng cao về an toàn sản phẩm hàng hóa khi sử dụng và đòi hỏi quy định pháp luật cụ thể. Người tiêu dùng cũng có xu hướng chú trọng sử dụng sản phẩm hàng hóa được sản xuất, kinh doanh từ những đơn vị có chú trọng tăng trưởng xanh và kinh tế xanh, nên dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có thể quan tâm hơn về những vấn đề này, nhất là sự phối hợp liên ngành giữa các Bộ trong quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ về quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vấn đề liên quan đến người tiêu dùng.
Tại hội thảo, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm, đến nay quá trình xây dựng dự thảo Luật có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân và nhiều ý kiến đóng góp đã được tiếp thu, ghi nhận và bổ sung kịp thời vào dự thảo Luật. Đồng thời, công tác hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng đang không ngừng cập nhật và sửa đổi trên cơ sở đề xuất của hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia... kỳ vọng sau khi được Quốc hội thông qua, ban hành và thực thi sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan đến người tiêu dùng.
Ngoài đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia khá tập trung vào những nội dung trọng tâm của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần rà soát về tính đồng bộ với các luật khác, tránh sự chồng chéo để đảm bảo luật có tính khả thi cao. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp qua các cuộc họp, hội thảo đã và sẽ tiếp tục triển khai, Cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, lắng nghe ý kiến để hoàn thiện dựa thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.