Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, qua làm việc với UBND thành phố Cần Thơ, Đoàn giám sát mong muốn có thêm các cơ sở, thông tin, kinh nghiệm, các bài học cũng như các đề xuất, kiến nghị của địa phương. Các nội dung này sẽ được Đoàn giám sát đưa vào báo cáo và sử dụng cho việc sửa đổi các chính sách, pháp luật có liên quan trong thời gian tới.
Hiện nay, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nêu tương đối rõ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của UBND các cấp. Trong đó có 4 vấn đề đáng lưu ý: việc ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, ví dụ ở cấp UBND thành phố là ban hành văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó Sở Công Thương là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố vấn đề này; trách nhiệm về tổ chức thực hiện và quản lý các hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công tác truyền thông, phổ biến, hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cho người tiêu dùng, đây là trách nhiệm của UBND các cấp; cuối cùng là công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Theo ông Lê Quang Huy, 4 nhóm vấn đề trên đã được quy định trong pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung giám sát là làm rõ trách nhiệm của UBND các cấp, từ thành phố đến các quận, huyện và các sở, ngành trong việc phối hợp thực hiện đúng quy định của pháp luật, gắn với 8 quyền của người tiêu dùng đã được pháp luật quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị thành phố Cần Thơ tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương trong thời gian qua. Trong đó, liên quan đến các vấn đề quy định pháp luật về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng (gồm hợp đồng mẫu và các điều kiện giao dịch chung); cơ chế giải quyết tranh chấp; việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh chuyển đổi số, thương mại điện tử đặt ra như thế nào…
Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Trần Hải Long, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, định kỳ hàng năm, Thành ủy Cần Thơ tổ chức quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 30 của Ban Bí thư khóa XII "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng"; phát huy vai trò, trách nhiệm, tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên và người lao động trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Hàng năm, UBND Cần Thơ tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" bằng các hình thức như: phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu về sự kiện và công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và các tuyến đường chính trên địa bàn quận, huyện với số lượng trên 30.000 tờ rơi và trên 1.500 băng rôn.
Theo ông Trần Hải Long, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ phát triển kinh tế số, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã giao Cục Quản lý thị trường Cần Thơ tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Cần Thơ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chức năng, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, điều tra xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, tập trung đấu tranh các hành vi đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Các lĩnh vực vi phạm chủ yếu như: hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng, đăng ký kinh doanh, lĩnh vực giá, quy định về nhãn, an toàn thực phẩm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng hóa không rõ nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, chất lượng. Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường Cần Thơ đã triển khai các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua công tác phối hợp đã kiểm tra 236 vụ, tổng phạt tiền trên 400 triệu đồng…
Tại buổi làm việc, UBND thành phố Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn và có kế hoạch mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cho cán bộ, công chức thực thi công tác bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương.
Cần Thơ cũng kiến nghị nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn về hỗ trợ kinh phi cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương để Hội có thể phát huy vai trò hoạt động và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao tại địa phương.