Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi gồm 17 chương, 221 điều; sửa đổi 171 điều trong tất cả các chương có liên quan đến nhiều chính sách lớn. Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu cho rằng, Bộ luật Lao động sửa đổi có vị trí đặc biệt quan trọng, điều chỉnh toàn diện mọi lĩnh vực quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tác động đến tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo lập hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động. Sau 6 năm thực hiện, Bộ luật Lao động đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. Đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, các đại biểu tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Quy định độ tuổi nghỉ hưu, hợp đồng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở...
Ông Vũ Duy Hoàng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu phải dựa trên các căn cứ khoa học để giảm sự bất bình đẳng. Ông Vũ Duy Hoàng cũng đề nghị điều chỉnh thời gian làm việc từ 48 giờ mỗi tuần đối với khu vực doanh nghiệp sang 40 giờ như khu vực hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, cần làm rõ vai trò quản lý Nhà nước đối với ban đại diện người lao động, cũng như hành lang pháp lý rõ ràng để phân định hoạt động của tổ chức đại diện người lao động là trong hay ngoài phạm vi quyền lao động. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng luật, Quốc hội cần quan tâm đến các yếu tố: Tiến bộ, tương thích, công bằng, đi vào cuộc sống…
Góp ý về nội dung nâng độ tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với từng ngành nghề, công việc theo quy định của Bộ luật Lao động, ngoài ra cũng cần đề xuất điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội cho phù hợp.
Một số đại biểu đề nghị quy định nâng độ tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng đối với đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; các đối tượng làm việc trong môi trường độc hại vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Có đại biểu cho rằng, hai phương án tăng tuổi hưu mà dự thảo Luật đưa ra chắc chắn sẽ tác động đến rất nhiều nhóm người. Việc tăng tuổi nghỉ hưu nói chung cho một nhóm người hoặc ngành nghề nào đó là cần thiết, tuy nhiên cần chọn đúng lộ trình, thời điểm thích hợp. Ngoài ra, cũng cần xem xét, đánh giá thêm tác động của việc nâng độ tuổi nghỉ hưu đến thị trường lao động, phát triển kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn.
Gần 20 ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội nghị đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.