Kiến nghị điều chỉnh Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) theo hướng bình đẳng giới

Chiều 11/9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dưới góc độ giới.

Tại Hội nghị, một số ý kiến cho rằng, thực tế cho thấy, nữ giới trong cùng ngành nghề, cùng trình độ học vấn và cùng khu vực địa lý đang có thu nhập thấp hơn so với nam giới.

Một số điều tại Bộ luật Lao động hiện hành nhằm giải quyết khoảng cách giới là điều 4 (khoản 1) và điều 3 (khoản 9) còn thiếu định nghĩa về phân biệt đối xử và định nghĩa về giới, bình đẳng giới. Vì vậy, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần có điều khoản quy định việc thiết lập khung pháp lý bình đẳng để giải quyết khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ.

Theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc điều chỉnh đối với người lao động Việt Nam tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) còn hạn chế, chưa thực hiện được quyền bình đẳng công bằng theo hiến định, nhất là việc đảm bảo quyền bình đẳng trong học nghề, ốm đau, thai sản, thời gian làm việc, nghỉ ngơi của lao động nữ. Bên cạnh đó, phạm vi và đối tượng trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) loại bỏ đối tượng lao động không có quan hệ lao động là chưa tuân thủ Hiến pháp, Bộ luật này mới chỉ điều chỉnh 1/3 lực lượng lao động.

Ông Đặng Như Lợi nêu: Phần lớn người sử dụng lao động ở khu vực tư nhân. Đặc biệt, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không muốn phân công, bố trí công việc sử dụng lại lao động cho phù hợp hoặc cải tiến công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc để tiếp tục sử dụng lao động mà thường tìm cách chấm dứt hợp đồng, thải loại người lao động.

Điều này vừa gây khó khăn cho người lao động, vừa gây ra gánh nặng cho Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, dự thảo không điều chỉnh nội dung này. “Luật các nước bắt người sử dụng lao động phải bố trí lại lao động khi họ không đảm bảo được công việc người lao động đang làm từ ban đầu. Điều này rất quan trọng trong tất cả các ngành, nghề chủ yếu sử dụng lao động nữ”, ông Đặng Như Lợi nói.

Một số đại biểu đánh giá, Bộ luật Lao động hiện hành có quy định về chế độ thai sản cho lao động nữ, trong đó quy định: Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra đề xuất quy định: “Nếu không có sự đồng ý của người lao động, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”. Các đại biểu cho rằng, việc nội dung mở rộng linh hoạt như vậy sẽ khiến người sử dụng lao động lách luật hoặc vẫn khiến phụ nữ mang thai thời kỳ cuối vì lương cao mà làm thêm giờ, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, bà Trần Thị Hương, công nhân Công ty Cổ phần đồ hộp Hạ Long, thành phố Hải Phòng cho rằng: Quy định tăng tuổi nghỉ hưu cho nam và nữ trong dự thảo luật mới chỉ quy định mang tính chung chung; cần quy định cụ thể cho từng ngành, nghề. Theo bà Trần Thị Hương, Bộ luật Lao động (sửa đổi) tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với những người làm trực tiếp. Với những người làm ở khu vực sản xuất trong ngành thủy sản, gần như trong tư thế đứng 8 tiếng, độ tuổi đó là không hợp lý. Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng tùy từng ngành nghề.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đưa ra quy định giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần. Tuy nhiên, đại diện của một số doanh nghiệp không đồng tình với việc giảm giờ làm trong tuần và cho rằng, tiêu chuẩn về thời gian làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Lào đều là 48 giờ/tuần. Nếu giảm giờ làm trong tuần sẽ giảm sức cạnh tranh và gây ra nguy cơ phá sản cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận vào một số nội dung trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) như: Vấn đề đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng nghề, sự tham gia của lao động nữ trong thị trường lao động Việt Nam.

Thu Phương (TTXVN)
Phản biện, góp ý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Phản biện, góp ý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Ngày 3/6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN