Trong số các vướng mắc, có các nội dung về khen thưởng thành tích, khen công trạng, thủ tục hồ sơ, công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến, thời gian đề nghị khen thưởng lần tiếp theo, tiêu chuẩn xét Bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh...
Một số địa phương như Trà Vinh đề nghị có quy định tặng kỷ niệm chương đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang đề nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong nghiệp vụ thi đua, khen thưởng, thủ tục hành chính tặng Bằng khen, Tập thể lao động xuất sắc ở cấp tỉnh; thời gian đề nghị tặng khen Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh Thái Nguyên đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hướng dẫn việc cấp mới Bằng Huân chương, Huy chương Chiến sỹ Giải phóng cho các cá nhân có đủ tiêu chuẩn theo Quyết định số 6B-VP/MT ngày 06/7/1966 của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và cấp mới Bằng Huân chương, Huy chương cho các cá nhân được cấp Giấy chứng nhận theo Hướng dẫn số 1971/HD-CT ngày 27/11/2013 của Tổng cục Chính trị.
Thành phố Hải Phòng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét có chính sách hỗ trợ hoặc có các vật kỷ niệm cho các đối tượng đã có công tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (gồm các đối tượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định nguyên tắc xét khen thưởng: “Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” (điểm c khoản 2 Điều 5).
Khoản 2 Điều 3 của Luật quy định: “Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong thi đua”. Khoản 3 Điều 3 Luật này quy định: “Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Như vậy, một thành tích đạt được chỉ được 1 lần tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng và ngược lại; cùng một thành tích đạt được, không đề nghị khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức. Trong trường hợp điều Luật cụ thể cho sử dụng khen thưởng cấp dưới thì áp dụng điều Luật cụ thể, nếu điều Luật cụ thể không quy định cho sử dụng khen thưởng cấp dưới thì áp dụng nguyên tắc chung.
Về việc công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến; công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề nghị cần thực hiện đúng quy định tại khoản 8 Điều 30 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP của Chính phủ và việc xác nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ theo mẫu 11 của Phụ lục I kèm theo Nghị định số 98.
Liên quan đến tiêu chuẩn xét Bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh (quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 74 của Luật Thi đua, khen thưởng), ông Phan Văn Hùng, Phó trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết, theo quy định trên, trường hợp danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở xét theo tiêu chuẩn hoàn thành tốt nhiệm vụ và có sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ được công nhận áp dụng hiệu quả hoặc có khả năng nhân rộng thì ngoài 2 sáng kiến/đề tài nghiên cứu khoa học đã được xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, cần có thêm 2 sáng kiến nữa mới đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng Bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh.
Trường hợp danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở xét theo tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải có 2 sáng kiến/đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở/nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở mới đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng Bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh.
Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương cũng gặp các vướng mắc về nội dung liên quan đến tiêu chuẩn tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh khi đề nghị khen thưởng đối với tập thể. Luật Thi đua, khen thưởng quy định tiêu chuẩn khen thưởng đối với tập thể phải có tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh đối với một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng gồm: Cờ thi đua Chính phủ; Huân chương Độc lập các hạng; Huân chương Quân công các hạng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao vàng; danh hiệu Anh hùng.
Để làm rõ quy định về đánh giá tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, ông Phan Văn Hùng cho biết, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã có văn bản xin ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương. Tại Công văn số 6355-CV/BTCTW về trao đổi nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng, Ban Tổ chức Trung ương có nêu, Điểm 19, Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng quy định về khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thay cho việc khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” theo Điểm 19, Hướng dẫn số 01/HD/TW, ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đang tổng hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết một số nội dung liên quan đến Quỹ thi đua, khen thưởng và chi thưởng; việc tặng cờ thi đua, Bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh đối với các tập thể tham gia cụm thi đua, khối thi đua; về tuyến trình đối với doanh nghiệp cổ phần (kể cả doanh nghiệp cổ phần có vốn sở hữu dưới 50%) thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; tuyến trình khen thưởng của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, trong đó có các hội; mẫu Kỷ niệm chương.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cũng cho biết, trong thời gian qua nhận được một số hồ sơ đề nghị khen thưởng chưa đảm bảo đúng quy định về thủ tục hồ sơ. Trong đó nhiều báo cáo thành tích không theo đúng hình thức và nội dung quy định tại các mẫu Phụ lục của Nghị định số 98. Biên bản họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng một số bộ, ngành, địa phương chưa đảm bảo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Một số trường hợp đề nghị khen thưởng theo thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong lao động, công tác, sản xuất, kinh doanh, học tập và nghiên cứu khoa học hoặc lĩnh vực khác; đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo... chưa có chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về thành tích đề nghị khen thưởng.
Ngoài ra, có trường hợp đề nghị khen thưởng theo thành tích công trạng chưa có xác nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ theo quy định tại Mẫu số 11 Phụ lục Nghị định 98. Một số trường hợp đề nghị khen thưởng thiếu ý kiến hiệp y khen thưởng hoặc ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc trung ương, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo (nơi không có Ban cán sự đảng, Đảng đoàn) theo quy định.
Ban này đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện trình khen thưởng đảm bảo đúng quy định của pháp luật.