Giới học giả Nga nhận định về vai trò của Việt Nam và Nga trong các vấn đề an ninh ở châu Á

Trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan, phóng viên TTXVN tại Nga đã có các cuộc phỏng vấn với giới chuyên gia, học giả Nga trong lĩnh vực an ninh quốc tế.

Các học giả cho rằng Việt Nam và Nga đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Trong ảnh: Chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế, diễn giả quen thuộc trên kênh truyền hình Trung ương Nga “Rossia-1” Grigory Trofimchuk trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Trần Hiếu - PV TTXVN tại Nga

Theo chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế, diễn giả quen thuộc trên kênh truyền hình Trung ương Nga “Rossia-1” Grigory Trofimchuk, đối thoại Nga - ASEAN đã liên tục phát triển từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước cho đến nay. Trong bối cảnh Đông Nam Á đang trở thành khu vực trung tâm của thế giới, ASEAN cũng trở thành một tổ chức quan trọng không chỉ đối với Nga, mà với cả an ninh, ổn định và phát triển của khu vực, trong đó Việt Nam giữ vai trò là động lực phát triển. Do vậy, Nga có cách tiếp cận mang tính chiến lược đối với công việc của các nước ASEAN và tham gia tích cực vào các hội nghị do ASEAN tổ chức. 

Đề cập tình hình bất ổn ở khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, chuyên gia Trofimchuk nêu rõ quan điểm của Nga là dựa trên các văn bản pháp lý đã được thông qua cho đến thời điểm này, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) để giải quyết các mâu thuẫn, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Theo ông Trofimchuk, Nga có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới, do đó nước này không thể không chú ý đến vấn đề Biển Đông. Ông cho rằng các nước chủ chốt ở châu Á đều có quan hệ mang tầm chiến lược với Nga ở một mức độ nào đó, hơn nữa, Nga có phần lãnh thổ rộng lớn hướng ra Thái Bình Dương, hướng sang châu Á, do đó cơ chế đối thoại Nga - ASEAN cũng có thể giúp đưa ra một quyết định mang tính đồng thuận.

Về cách tiếp cận của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, ông Trofimchuk cho rằng Việt Nam có uy tín cao trên các diễn đàn quốc tế, hơn một lần được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Cộng đồng quốc tế thừa nhận quan điểm của Việt Nam là luôn hướng đến việc đạt được tiến triển thông qua cách giải quyết hòa bình đối với bất kỳ tình huống nào, dù là trong lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xung đột. 

Chú thích ảnh
Chuyên gia Alexey Fenenko trả lời phỏng vấn TTXVN.

Trong khi đó, Tiến sỹ khoa học chính trị, giảng viên Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (MGU), chuyên gia bình luận các vấn đề quốc tế Alexey Fenenko khẳng định các vấn đề về an ninh khu vực như vấn đề Biển Đông nên được đưa ra bàn thảo tại các diễn đàn khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) theo các cơ chế tham vấn hiện có như ASEAN + 1 (Trung Quốc), ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc)….

Tiến sĩ Fenenko cho rằng các nước liên quan cần thúc đẩy duy trì môi trường hòa bình tại khu vực, không sử dụng các biện pháp quân sự và không có các hành động khiêu khích; đồng thời trước mắt có thể nghiên cứu ký kết "lộ trình" cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Cũng theo ông Fenenko, Việt Nam luôn duy trì quan điểm mang tính xây dựng với cách tiếp cận vấn đề rất kiềm chế, không để bị lôi kéo vào xung đột vũ trang. Điều đó cho thấy Việt Nam là một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình tại khu vực Đông Nam Á.

Tin, ảnh: Hồng Quân - Trần Hiếu (TTXVN)
Giới học giả Nga đánh giá về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2
Giới học giả Nga đánh giá về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2

Ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội kết thúc, Giáo sư Georgi Toloraya, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga (Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) bày tỏ sự bất ngờ khi hội nghị kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN