Giáo sư Vladimir Kolotov nhận định Việt Nam từ trước đến nay luôn tiến hành công tác chuẩn bị Đại hội Đảng rất kỹ lưỡng, bao gồm việc xây dựng các dự thảo báo cáo chính trị. Báo cáo của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng lần này đã đánh giá toàn diện về tình hình trong nước và quốc tế, cũng như đề ra những kế hoạch phát triển đất nước đến năm 2045.
Theo ông, Việt Nam đã và đang tiến hành công tác làm trong sạch đội ngũ đảng viên trên quy mô lớn nhằm chọn ra "thế hệ thứ năm" những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đủ đức, đủ tài để thực hiện những kế hoạch này. Đây là nhiệm vụ đầy trách nhiệm. Ông nhấn mạnh kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, những nhiệm vụ lịch sử đặt ra, trong đó có cả nhiệm vụ giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và thực hiện công cuộc Đổi mới, đều được thực hiện nhất quán. Ông khẳng định với lịch sử hơn 90 năm qua, cũng như sự kỹ lưỡng và tính công khai trong công tác chuẩn bị Đại hội, có thể kết luận rằng đại hội lần này có tất cả những yếu tố để trở thành sự kiện chính trị quan trọng trong lịch sử đất nước Việt Nam, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của dân tộc và quốc gia.
Giáo sư Vladimir Kolotov cho biết trong các văn kiện công bố tại Đại hội, ông đặc biệt quan tâm tới các kế hoạch phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045. Vào dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Tám, dự kiến Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Theo ông, đây là những kế hoạch rất ấn tượng và không hề đơn giản, đặc biệt trong giai đoạn gia tăng bất ổn trong quan hệ kinh tế và chính trị giữa các cường quốc hàng đầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần thực thi chính sách đối ngoại và đối nội một cách khôn khéo, linh hoạt nhằm kiên quyết bảo vệ lợi ích nhất quán của mình. Nhiệm vụ này là hoàn toàn khả thi nếu lựa chọn đúng đội ngũ lãnh đạo ở tất cả các cấp, hội tụ đủ cả tài và đức, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Giáo sư Vladimir Kolotov nêu rõ trong những thập niên gần đây, kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển rất nhanh nhờ sự ổn định chính trị trong nước, hội nhập khu vực và tình hình kinh tế thuận lợi. Theo ông, nếu chủ trương này vẫn tiếp tục, thế giới chắc chắn sẽ được chứng kiến những thành tựu mới của Việt Nam trong tương lai.
Chuyên gia Nga cũng bày tỏ tin tưởng sẽ tiếp tục có sự tiến triển tích cực trong quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nga hiện chưa đến 5 tỷ USD, gần đây nhiều dự án liên doanh quy mô lớn giữa Nga và Việt Nam đã tạm dừng, việc dịch các tác phẩm văn học từ tiếng Nga sang tiếng Việt và ngược lại rất ít, do đó cần cải thiện tình hình này cho tương xứng với mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.