Đây là hoạt động đồng hành cùng chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh” năm 2022 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, đồng thời kỷ niệm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào” và “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia”. Chương trình có sự tham dự của 47 sinh viên Lào, Campuchia đang học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cùng 35 gia đình Việt nhận bảo trợ cho các sinh viên.
Trong khuôn khổ chương trình, các sinh viên Lào, Campuchia và gia đình bảo trợ đã cùng dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Đền Bến Dược (huyện Củ Chi), tham quan Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, tìm hiểu về giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam và cùng thưởng thức những món ăn đặc sản miền Nam. Tại chương trình, Ban Tổ chức đã gửi tặng những phần quà lưu niệm tới các sinh viên.
Bên cạnh đó, các sinh viên còn được gặp gỡ, giao lưu với các cựu chiến binh, được nghe các cựu chiến binh kể về về cuộc sống, tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm của các chiến sỹ cùng những trận đánh kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để dành độc lập, thống nhất đất nước. Qua đó, tạo môi trường để sinh viên Lào, Campuchia hiểu rõ hơn về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình còn mang đến nhiều tiết mục văn nghệ sôi nổi, hào hứng với các bài hát, điệu múa của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, tình cảm tốt đẹp, gắn bó thân thiết giữa 3 dân tộc bằng tiếng Việt Nam, tiếng Lào và tiếng Campuchia. Thông qua các tiết mục trình diễn, các đại biểu và sinh viên cùng giao lưu, tìm hiểu về văn hóa, con người của 3 đất nước, 3 dân tộc.
Trung tướng Hoàng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia là tài sản chung vô giá. Thế hệ cha anh của 3 đất nước đã từng sánh vai vào sinh ra tử chống kẻ thù chung, giành độc lập cho dân tộc và ngày nay đang cùng nhau hợp tác, đoàn kết để xây dựng và phát triển đất nước. Kế tục xứng đáng và phát huy hơn nữa mối tình hữu nghị truyền thống là sứ mệnh chung của mỗi người dân 3 nước.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, các cấp, ngành, chính quyền Thành phố luôn quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để các bạn sinh viên Lào, Campuchia thuận lợi học tập tại các trường trên địa bàn, tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng để sau này có thể góp sức cho công cuộc xây dựng đất nước của mình và có dịp giao lưu, tìm hiểu về lịch sử quan hệ Việt Nam – Lào – Campuchia, góp phần vun đắp cho tình đoàn kết truyền thống, mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và thanh niên ba nước.
Ông Hoàng Văn Nghĩa mong muốn, thông qua chương trình, các sinh viên Lào và Campuchia sẽ hiểu sâu sắc thêm về mối quan hệ ba nước, về sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho các em. Từ đó, các sinh viên sẽ là những đại sứ trẻ tiếp tục nuôi dưỡng, vun đắp, phát huy quan hệ truyền thống tốt đẹp ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Đại diện các sinh viên Lào, Campuchia tham dự chương trình, em Bouavanheuang Bounleuth, người Campuchia, sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Văn Lang chia sẻ, từ khi chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh” được triển khai thực hiện đến nay, các sinh viên Lào, Campuchia đã có nhiều cơ hội được sinh hoạt, giao lưu và gắn bó cùng với gia đình người Việt; cùng nhau làm các món ăn đặc trưng của Việt Nam, Lào và Campuchia; tham quan các địa điểm lịch sử, các cảnh đẹp trong và ngoài Thành phố; cùng về quê của các bố mẹ nuôi... Qua đó, mỗi bạn sinh viên Lào, Campuchia có dịp trao đổi, học hỏi văn hóa; được tham quan, tìm hiểu và có những trải nghiệm ý nghĩa, thú vị tại các di tích mang dấu ấn lịch sử của đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội để các sinh viên có thể hiểu nhiều hơn về đất nước và con người Việt Nam, về quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Là người nhận bảo trợ ba em sinh viên Lào tại nhà, bà Nguyễn Thị Sen, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 2, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các em sinh viên phải xa gia đình để sang học tập tại một môi trường mới có nhiều khác biệt về tập quán, văn hoá nên gặp nhiều khó khăn. Do đó, bà Sen cùng gia đình mong muốn đóng góp, hỗ trợ các em có thể hoà nhập với cuộc sống mới và yên tâm học tập. Bên cạnh việc động viên về mặt tinh thần, bà cũng hướng dẫn các sinh viên tham gia hoạt động của địa phương, tham gia những chương trình từ thiện và hoạt động vì cộng đồng, tham gia nấu các món ăn truyền thống Việt Nam, tham quan những địa điểm nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh… Với sự năng động và ham học hỏi, 3 sinh viên do bà Sen bảo trợ đã vượt qua những bỡ ngỡ đầu thể hòa nhập với môi trường mới và xem Thành phố như “ngôi nhà” thứ hai của mình. Bản thân bà Sen cũng hiểu thêm về văn hoá, phong tục của nước bạn Lào.