Giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Chiều 5/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, đã làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đoàn Giám sát đã làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nghe lãnh đạo Viện báo cáo một số nội dung việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện rà soát các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài.

Qua trao đổi, Đoàn Giám sát mong muốn sẽ có bức tranh toàn cảnh về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp nói chung, của ngành Kiểm sát nói riêng; đánh giá hiệu quả trong tổ chức thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các đạo luật khác về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Thông qua đó, đoàn nhận diện chính xác kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân từ đó làm cơ sở để tiếp tục kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu làm rõ việc triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Đảng, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm rõ công tác chỉ đạo, điều hành của Viện trong thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm của các lĩnh vực đời sống, xã hội để từng bước hạn chế khiếu nại, tố cáo phát sinh...

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng cho biết, trong kỳ báo cáo, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã tiếp hơn 126.000 lượt công dân; 58 đoàn đông người; 28 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài là.

Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, kết luận điều tra, khiếu nại Quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản, đấu giá tài sản, tố cáo chấp hành viên lạm dụng quyền hạn trong thi hành án, cố tình thi hành án không đúng với quyết định của bản án, khiếu nại việc Tòa án chậm đưa vụ án xét xử theo quy định.

Liên quan đến kết quả tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng nêu rõ: Khiếu nại các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc trách nhiệm giải quyết của ngành Kiểm sát là 16.192 đơn/13.028 việc. Trong đó, đã giải quyết 14.020 đơn/11.280 vụ, việc; đạt 86,6%; còn 2.172 đơn/1.748 vụ, việc đang nghiên cứu.

Các thành viên Đoàn Giám sát đánh giá, về cơ bản, báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã bám sát nội dung yêu cầu trong đề cương của Đoàn Giám sát, phản ánh được khá toàn diện kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác ban hành văn bản triển khai thi hành quy định của luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát hoạt động này của các cơ quan tư pháp. Nội dung báo cáo đã cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021; đã cung cấp một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều khoản cụ thể của một số đạo luật liên quan đến lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Một số đại biểu cho rằng, chất lượng giải quyết khiếu nại một số Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện còn chưa bảo đảm nên sau khi kiểm tra lại, có trường hợp áp dụng, trích dẫn điều luật chưa chính xác, thiếu căn cứ. Viện Kiểm sát cấp trên phải hủy một số quyết định giải quyết khiếu nại để yêu cầu giải quyết lại (trong đó có một số trường hợp việc không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra phải hủy để yêu cầu ra quyết định khởi tố). Công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động tại các Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao đạt tỷ lệ giải quyết chưa cao.

Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao Tổ công tác và các thành viên Đoàn Giám sát, đặc biệt là các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp đã tham gia tích cực, có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về các nội dung liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp thu tối đa các ý kiến nhằm hoàn thiện các báo cáo, tài liệu gửi Đoàn Giám sát; trong đó tập trung làm rõ trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại với công dân…; đánh giá toàn diện quy trình, thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo; công khai kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm rõ việc giải quyết các kiến nghị của Viện Kiểm sát, có danh mục các vụ việc được kiến nghị, các vụ việc được kiến nghị rồi nhưng chưa được giải quyết, trong đó cần nêu địa chỉ cụ thể để Đoàn Giám sát nghiên cứu, đánh giá.

Bên cạnh đó, Báo cáo cần làm rõ hơn tình hình giải quyết khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hàng năm; tăng cường các hình thức kiểm sát nhằm chấn chỉnh ngay hoạt động tư pháp, khắc phục tình trạng “chuyển đơn lòng vòng”; làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức bộ máy. Từ thực tiễn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp trước mắt, lâu dài, các giải pháp mang tính vĩ mô nhằm từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp, nhất là những vụ việc phức tạp, kéo dài.

Phan Phương (TTXVN)
Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo Thông báo số: 791/TB-TTKQH Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát bước đầu chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thực hiện một số yêu cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN