Giám sát việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên

Ngày 22/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên" đã làm việc với Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Phó trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Chú thích ảnh
 Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chủ trì làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về thực hiện FTA

Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thực thi các FTA đều được xây dựng theo đúng quy trình, đáp ứng cam kết của điều ước quốc tế, phù hợp với pháp luật hiện hành. Việt Nam và các đối tác FTA cũng đã thành lập nhiều Nhóm công tác chung để triển khai cam kết hoặc tổ chức họp định kỳ để rà soát, đánh giá tình hình thực thi; xây dựng kế hoạch thực hiện quy định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi, văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về quy tắc xuất xứ, thủ tục cấp, kiểm tra xuất xứ trong Hiệp định và các cam kết cụ thể khác giữa hai bên trong nội dung hiệp định…

Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế (trước đây) và Ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế thực hiện việc thống nhất chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch của Chính phủ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc thực thi các hiệp định FTA.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện các FTA cũng bộc lộ hạn chế về năng lực cạnh tranh; sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nguồn khoáng sản tự nhiên; chất lượng sản phẩm không bảo đảm; xuất khẩu sản phẩm chế biến; tham gia các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu còn chậm; tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao…

Các thành viên Đoàn giám sát cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Công Thương và cho rằng báo cáo đã cung cấp bức tranh khá tổng thể, toàn diện về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta cũng như những kết quả trong hoạt động đàm phán, ký kết, thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên. Một số ý kiến chỉ rõ, việc thực hiện các FTA còn vấp phải hạn chế, bất cập trong ban hành chính sách, pháp luật. Cụ thể, hệ thống các chính sách, pháp luật nhìn chung còn thiếu, yếu và chồng chéo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nêu thực tế rằng việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi các FTA của một số bộ, ngành so với kế hoạch còn chậm và cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi không ban hành kịp thời. “Một số văn bản chậm 1-2 tháng, một số chậm 5-6 tháng; thậm chí có văn bản chậm đến 11 tháng. Việc ban hành văn bản là hành lang pháp lý rất quan trọng để triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do. Nếu thiếu sẽ gây khó khăn trong thực hiện và không sửa đổi kịp thời thì sẽ phải đối mặt với việc bị kiện do không thực hiện các cam kết”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương phân tích.

Các đại biểu đều khẳng định tác động tích cực của FTA với nền kinh tế, tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề khi tiếp tục thực thi các hiệp định này. Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng từ khi thực thi các FTA, xuất khẩu tăng rất nhanh, kéo theo độ mở kinh tế quá lớn, vì thế cần phải đặc biệt lưu ý để kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Nếu các thị trường nước ngoài có vấn đề thì việc ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ khó khăn.

Có đại biểu cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA còn là khâu yếu. Phần lớn các doanh nghiệp chưa thực sự nắm rõ về các FTA mà Việt Nam là thành viên. Đoàn giám sát đề nghị, Bộ Công Thương và các cơ quan có trách nhiệm phối hợp trong triển khai công tác truyền thông, có cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả hơn nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách

Báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các cam kết về đầu tư tại các hiệp định đầu tư/chương đầu tư cơ bản đều phù hợp với chính sách, pháp luật của Việt Nam. Do đó, các cam kết này đều được áp dụng trực tiếp mà không phải sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật để thực thi.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đối với những trường hợp cần sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời xây dựng chính sách, pháp luật để trình Chính phủ ban hành theo đúng lộ trình cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên. Trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện các FTA, Bộ luôn tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ đã công khai dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về dự thảo văn bản pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện các FTA đặt ra những thách thức lớn hơn, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết có hiệu quả những tranh chấp này; đồng thời, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng, ngừa tranh chấp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục thực hiện các hoạt động đối ngoại để thúc đẩy các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU để hiệp định này sớm có hiệu lực; thay thế các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương đã được ký từ những năm 1990. Các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tòa án nhân dân tối cao để ban hành các văn bản pháp luật thi hành các FTA để các hiệp định này được đưa vào cuộc sống, đảm bảo hiệu quả, thực chất...

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Công Thương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát nhấn mạnh, các cam kết về đầu tư trong các FTA là nội dung quan trọng và cũng hết sức phức tạp. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm rõ trong báo cáo trách nhiệm của Bộ trong việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm tổ chức thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có đánh giá manh tính định lượng hơn về tác động của các FTA đối với các khía cạnh kinh tế; chính trị; quốc phòng - an ninh…

Phan Phương (TTXVN)
Cần tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do
Cần tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do

Trong giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế, cần đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), các hiệp định của ASEAN với các đối tác,...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN