Báo cáo kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (giai đoạn 2017 - 2018) của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày, cho thấy hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1,0 - 1,3% so với năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm khoảng 3 - 4%/năm, đạt mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo Nghị quyết 142/2016/QH13.
Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); bên cạnh 10 tỉnh, thành phố duy trì được tình trạng không tái nghèo, một số tỉnh thuộc khu vực khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo.
Báo cáo của Chính phủ thừa nhận kết quả giảm nghèo trong hai năm (2016 - 2017) đạt mục tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%.
Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2017), thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nguyên nhân chính là do tách hộ, do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ ra, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Tháng 3/2018, tuy đã có 8/64 huyện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020. 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi; số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao. Đặc biệt, hết năm 2017, số hộ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo chiếm tới 1,8% hộ nghèo cả nước.
Đề nghị làm rõ các số liệu trong báo cáo, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định: Kết quả giảm nghèo rất tốt nhưng một số tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội mà tỷ lệ tái nghèo vẫn cao như Kiên Giang, Khánh Hòa…, do đó cần chỉ ra giải pháp căn cơ cho tình trạng này. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải quan tâm tới tốc độ giảm nghèo không đồng đều; nhiều huyện nghèo vẫn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, một số nơi trên 60%; khoảng cách giàu - nghèo gia tăng. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: Những huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo cao đều là những huyện nằm ở tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng. Vì sao tất cả cơ chế chính sách, con người, nguồn lực như nhau, nhưng có nơi tốc độ giảm nghèo nhanh, có nơi chậm? Vì sao những huyện này lại tập trung ở tỉnh miền núi phía Bắc, ngoài yếu tố khách quan là thiên tai, bão lũ thì nguyên nhân chủ quan là gì?
Quan tâm đến việc trục lợi trong chính sách giảm nghèo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định: Công tác thanh tra, kiểm tra rất quan trọng. Báo cáo của cơ quan thẩm tra đã chỉ rõ Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các bộ, ngành, địa phương đều tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách nhưng kết quả phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này rất hạn chế. Trong khi đó, dư luận xã hội, báo chí phản ánh nhiều về tình trạng cán bộ đưa người thân không đúng đối tượng vào danh sách hộ nghèo để trục lợi chính sách hoặc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, về cây, con giống lại không phải hộ nghèo; hoặc sai phạm trong sử dụng vốn, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, hiệu quả sử dụng vốn thấp... "Sự thực tình trạng này là như thế nào, con số đã xử lý ra sao? - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga hỏi.
Giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu băn khoăn về tỷ lệ hộ nghèo gia tăng tại các địa phương, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Đối với vùng vừa qua gia tăng hộ nghèo và tình trạng tái nghèo nhanh là do bão lũ nhiều, như một số địa bàn miền núi phía Bắc: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, mới đây là Thanh Hóa. Thứ hai là do có tình trạng tách hộ. Đối với tình trạng trục lợi chính sách, Bộ trưởng cho rằng thời gian qua do bình xét và có việc nhường suất nghèo cho người khác, nhưng đã khắc phục được tình trạng này.
Tán thành với nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đã được phân tích trong Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí đủ kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo bền vững trong 2 năm còn lại (2019 – 2020); quan tâm bổ sung kinh phí cho một số nhiệm vụ cấp bách thuộc lĩnh vực giảm nghèo, đặc biệt trong việc giải quyết thiếu hụt các chỉ số về nhà ở, y tế là những yếu tố mấu chốt để bảo đảm an sinh và trật tự xã hội; bổ sung nguồn vốn để Ngân hàng chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng kịp thời, hiệu quả; xem xét, quyết định tổ chức giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 76 vào năm 2020.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ tại Nghị quyết 76/2014/QH13 để tiếp tục cụ thể hóa các định hướng chính sách giảm nghèo bền vững, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả định hướng chính sách hỗ trợ có điều kiện; sơ kết, đánh giá để lựa chọn ưu tiên nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 76 trong 2 năm cuối; bảo đảm hoàn thành việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tích hợp chính sách, giảm đầu mối văn bản về giảm nghèo theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, tăng khả năng tiếp cận chính sách của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở, trong đó chú trọng đối với người nghèo đô thị và người lao động ở khu công nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, điều đáng ghi nhận là trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Nhà nước chưa bao giờ cắt giảm ngân sách dành cho an sinh xã hội. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tiến độ giảm nghèo chậm, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao, không hợp lý giữa các vùng miền. Trong công tác quản lý Nhà nước, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và các cấp chính quyền, không thể trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Cần xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương trong công tác giảm nghèo; chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng nhiều hộ không muốn thoát nghèo; nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả; chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp chính quyền trong công tác này. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần nhận diện chính xác, công bằng tình trạng nghèo của địa phương mình để tìm ra giải pháp phù hợp.
Giảm nghèo không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, Chính phủ hay bất cứ một bộ, ngành, cơ quan, tổ chức nào. Đó là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Trong hai năm tới, cả nước phải có trách nhiệm chăm lo cho 1,8% đối tượng gia đình chính sách. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm cần tập trung thực hiện. Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.