Giải quyết căn cơ chiến lược vaccine và đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến
Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân theo dõi sát và rất vui mừng về thành công của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; đánh giá cao các ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo lắng trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 6 kiến nghị; đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương sớm cụ thể hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tập trung vào hai nội dung được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm. Đó là giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vaccine (chú ý vaccine tiêm cho người dưới 18 tuổi); tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 tích hợp vào căn cước công dân; quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, tâm lý xã hội, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, hỗ trợ người yếu thế. Nghiên cứu đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào Danh mục hàng hóa Nhà nước quản lý bình ổn giá.
Cùng với đó là khảo sát, đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học, từ đó, xây dựng chiến lược thích ứng trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Xây dựng kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh đầu cấp bậc tiểu học để đảm bảo chất lượng.
Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương khẩn trương thể chế hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về phục hồi, phát triển kinh tế khi đã kiểm soát được dịch bệnh; sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, kích thích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng; có chính sách hỗ trợ đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường; tiếp tục có các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, đảm bảo cho nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển.
Cử tri và nhân dân ủng hộ chủ trương lùi thời hạn nâng lương trong tình hình thiệt hại lớn về dịch COVID-19 nhưng đề nghị Đảng và Nhà nước điều chỉnh, nâng lương cho người nghỉ hưu trước năm 1995, vì những người này đang hưởng mức lương thấp, gặp nhiều khó khăn trong đời sống.
Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, chi phí cho phòng, chống dịch và các gói an sinh xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp phát hiện có sai phạm.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, nhất là chủ chương trình khẩn trương hoàn thành các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để sớm triển khai đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng mong đợi của nhân dân.
Đảng và Nhà nước nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu, cán bộ, công chức, viên chức, các ngành, các cấp, nhất là cán bộ cơ sở, các tình nguyện viên do làm nhiệm vụ mà mắc COVID-19; những đồng chí hy sinh, những người tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19; có hình thức thích hợp để biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào công tác phòng, chống dịch và các hoạt động thiện nguyện.
Hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày cho biết, đến nay đã có 807/807 kiến nghị của cử tri đã được trả lời, đạt 100%. Trong đó, đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 14/14 kiến nghị; Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã trả lời 781/781 kiến nghị; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xem xét, trả lời 5/5 kiến nghị.
Tuy nhiên, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế, đó là việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị; việc phối hợp giữa một số bộ còn chưa chặt chẽ trong công tác tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên còn có quy định khác nhau…
Về kiến nghị, đối với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị của cử tri. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.
Trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong kỳ báo cáo các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tiếp 4.331 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 3.350 vụ việc và có 189 đoàn đông người (giảm 50% số lượt người, 35% số vụ việc và 24% đoàn đông so với cùng kỳ năm trước); đã tiếp nhận 33.061 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (giảm 13,83% so với cùng kỳ).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện đã triển khai, tổ chức giám sát tại 5 địa phương; đề nghị 4 bộ ngành trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và UBND 63 tỉnh, thành phố báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến…
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, qua các ý kiến phát biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bước đầu tổng hợp được ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong điều kiện còn thiếu báo cáo của một số cơ quan, địa phương và 63 Đoàn đại biểu Quốc hội. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ, trung thực ý kiến của cử tri và nhân dân. Còn khoảng 10 ngày nữa đến Kỳ họp thứ 2, do đó công tác này cần được phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công điện đôn đốc 63 Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp báo cáo kịp thời; những báo cáo này gửi về Ban Dân nguyện của Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu đánh giá kỹ thêm các nội dung trong dự thảo báo cáo trên cơ sở các ý kiến phát biểu góp ý tại phiên họp và tổng hợp tiếp ý kiến cử tri, nhân dân của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội, phương tiện thông tin đại chúng…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời đề nghị, phân tích rõ kết quả giám sát, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; phân tích rõ bản chất việc trả lời của các cơ quan chức năng đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời bổ sung báo cáo công tác tiếp công dân của khối hành pháp và khối tư pháp.