Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Theo cử tri Lê Thị Sâm (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), từ đầu phiên chất vấn, đã có 68 đại biểu đăng ký chất vấn. Điều này cho thấy, vấn đề về nông nghiệp được các đại biểu quan tâm như thế nào. Các câu hỏi của đại biểu tuy không mới nhưng rất trọng tâm, là vấn đề nóng hiện nay như giải pháp cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn sau thời gian rớt giá sâu vừa qua hay vấn đề nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức chế biến nông sản thế nào để tăng giá trị, hay vấn đề quản lý nhà nước đối với sản xuất nông sản.
Với những câu hỏi rất trọng tâm thế này đòi hỏi Bộ trưởng phải đưa ra được giải pháp đột phá thì mới giải quyết những khó khăn vướng mắc. Qua phần trả lời đầu giờ có thể thấy, Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, không né tránh. Bộ trưởng cũng đã cung cấp rất cụ thể những con số, thực trạng về ngành chăn nuôi, thể hiện sự sâu sát với ngành cũng như trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, các giải pháp về giải cứu ngành chăn nuôi chưa thực sự có tính đột phá, vẫn là những giải pháp đã từng nêu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có được chiến lược, kế hoạch tổng thể; bên cạnh đó là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương. Người dân phải ý thức được việc không thể cứ chạy theo lợi nhuận để dẫn đến tình trạng ế ẩm, dội chợ.
Còn cử tri Nguyễn Văn Học (Phú Thọ) đánh giá cao sự thẳng thắn và dám thừa nhận trách nhiệm của Bộ đối với những bất cập của ngành trong thời gian qua. Tuy nhiên, đối với việc 'giải cứu lợn', tôi thấy việc Bộ trưởng cho rằng đó là do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể nói chính yếu do người dân chăn nuôi tự phát, chưa xây dựng được chuỗi sản xuất theo quy trình. Tôi không đồng tình với Bộ trưởng về ý kiến đó, tôi cho rằng nếu nói rằng người dân sản xuất tự phát dẫn đến tình trạng “giải cứu lợn” vừa qua thì vừa đúng mà cũng chưa đúng. Điều này cũng phải đặt câu hỏi, nếu cho rằng người sản xuất tự phát thì chưa thấy vai trò quản lý Nhà nước như dự báo, định hướng, điều chỉnh, cảnh báo... cho nhà sản xuất. Vậy vai trò của Bộ, nhà quản lý ở đâu?
Thực tế, ở quê chúng tôi có nhiều hộ gia đình nuôi lợn với số lượng lớn, nhưng kể cả khi họ gia tăng quy mô chăn nuôi thì chưa có nhà quản lý nào đưa ra cảnh báo về việc cung sẽ thừa cầu, khuyến cáo người dân nên sản xuất trong khoảng bao nhiêu con, số lượng trong từng thời kỳ....
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Hồng chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT về trách nhiệm đối với việc khủng hoảng thừa lợn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Cử tri Nguyễn Thu Hương (Hà Nam) cho rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề được nhiều người dân quan tâm, vì đế nay phần lớn người dân sống bằng nghề này. Vì thế, ngành nông nghiệp cần đưa ra giải pháp đột phá nhằm mục đích cuối cùng là giúp người nông dân đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ được nông sản, đưa công nghệ vào chế biến nông sản để giúp tăng giá trị. Có như vậy thì mới nâng cao được đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cần có giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ nông sản nhỏ lẻ vốn đang rất phổ biến hiện nay. Việc thẳng thắn nhìn nhận sự thiếu quy hoạch trong phát triển, tiêu thụ, chế biến nông sản cũng sẽ góp phần tìm ra các giải pháp cho ngành nông nghiệp.