Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, có thể Thủ tướng giao Phó Thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực trả lời sẽ sâu hơn. Phó Thủ tướng trả lời chưa thấu đáo, Thủ tướng sẽ trả lời. Vấn đề là dành thời gian thỏa đáng cho các thành viên Chính phủ trả lời một cách đầy đủ, có trách nhiệm những vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra. Nếu không trả lời hết được tại hội trường, có thể trả lời bằng văn bản. Điều quan trọng là phải theo dõi sau khi trả lời.
“Có nhiều người trả lời suôn sẻ, trơn tru, nhưng để giải pháp thành hiện thực sẽ phải giám sát. Quốc hội phải giám sát và phải kết nối nhiều phiên chất vấn lại với nhau để theo dõi giám sát, xem có tổ chức thực hiện được không. Nếu không, phải tái chất vấn”, đại biểu Quyết Tâm nói.
Về vấn đề cụ thể, đại biểu cho biết quan tâm nhất là vấn đề nông nghiệp. Vấn đề này đại biểu quan tâm từ nhiệm kỳ trước tới nay. Đại biểu đặt vấn đề: Người lao động nông thôn Việt Nam rất thông minh, sáng tạo nhưng vì sao nông nghiệp Việt Nam lại không phát triển, đời sống của người nông dân rất khó khăn?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết đã từng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là khi nào, giải pháp gì để người nông dân không bỏ mảnh đất của mình mà ra đi, làm thế nào để họ sống được, thậm chí sống khá giả và làm giàu được trên mảnh đất nông nghiệp của mình. Câu trả lời cho vấn đề này, đại biểu cho rằng đã dần dần hé lộ nhưng chưa được như mong muốn.
Đời sống của người nông dân vẫn còn đang rất khó khăn. Nhìn ở một góc độ nào đó, chúng ta đang lãng phí nguồn lực lao động của người nông dân, lãng phí nguồn lực đất đai. Chính sự lãng phí đó đã đặt ra vấn đề định hướng phát triển nông nghiệp như thế nào? Trách nhiệm của các ngành có liên quan như Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại phát triển.
Theo đại biểu, trước hết cần phải tổ chức sản xuất cho người nông dân. Nếu không tổ chức được sản xuất lớn, sản xuất hiện đại, nền nông nghiệp không thể phát triển được. Bên cạnh đó là vấn đề đầu tư cây giống, con giống, đảm bảo sau thu hoạch, để đảm bảo giá trị hàng hóa. Thương hiệu cũng là một yếu tố quan trọng. Do thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, chế biến nông sản không được quan tâm đầu tư nên nông sản không có thương hiệu, sản xuất thô, giá trị gia tăng rất thấp, công sức bỏ ra lớn nhưng kết quả không cao.
Bài toán này, đại biểu cho rằng cần phải giải quyết một cách căn cơ. “Tôi rất buồn khi một số bộ, ngành lý giải rằng, sở dĩ sản phẩm nông nghiệp thừa là do người nông dân làm không theo cảnh báo, sản xuất theo phong trào. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải tổ chức sản xuất như thế nào chứ không phải đổ thừa trách nhiệm cho người nông dân, điều đó thực sự đáng trách và cũng đáng buồn”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ.
Cũng quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ( Đoàn Quảng Trị) cho biết ông sẽ chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi thời gian gần đây liên tục phải đặt ra vấn đề “giải cứu” nông sản.
Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản thua ngay trên sân nhà, nhiều sản phẩm nông sản của nước ngoài tràn ngập, lấn chiếm thị trường trong nước. Theo đại biểu, không có cách nào khác là phải tự cứu lấy mình, phải chiếm lĩnh thị trường 90 triệu dân trong nước trước rồi mới đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.
Đánh giá rất cao gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn mà Chính phủ quyết định bung ra, đại biểu cho rằng nếu làm tốt sẽ giúp tăng giá trị của ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm, chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội này cũng cho biết ông muốn chất vấn thành viên Chính phủ về việc chấn chỉnh cung cách làm việc của cán bộ, bộ máy hành chính của nhà nước, việc bổ nhiệm người thân, người nhà làm quan chức diễn ra tại nhiều bộ ngành, địa phương đang được dư luận quan tâm.
Ông cho rằng đây là vấn đề không chỉ người dân, mà cả Chính phủ, Quốc hội đều rất quan tâm. Vì vậy, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất, đặt vấn đề trong chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có nội dung giám sát về tổ chức bộ máy nhà nước. Qua giám sát sẽ đặt ra vấn đề bộ máy đã hoàn chỉnh chưa, đã thực sự đặt vấn đề phục vụ nhân dân, đánh giá những mặt được, chưa được để khắc phục.
Với việc Thủ tướng Chính phủ thành lập một tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để đôn đốc các công việc mà Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành, đại biểu tin tưởng sẽ có sự chuyển biến tốt trong công tác tổ chức và bộ máy hành chính của nhà nước.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cho biết bà sẽ chất vấn Thủ tướng và các Bộ trưởng về việc tập trung nguồn lực thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện cuộc cách mạng này, các doanh nghiệp phải vận động vươn lên, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Việc này đòi hỏi thể chế phải đi theo, đáp ứng được để doanh nghiệp có điều kiện bứt phá. Nếu thể chế không cải cách sẽ lạc hậu so với thực tiễn, trở thành rào cản trong phát triển.
Cái đầu đã nghĩ đến mà chân tay không động sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu. Cho nên, đây là vấn đề cấp bách hỏi hỏi các cấp các ngành quan tâm. Quan tâm không có nghĩa là nói suông mà phải có cái tổng thể trên toàn quốc, đại biểu cho hay.
Đại biểu cho rằng hiện nay chúng ta chưa có cái nhìn tổng thể. Mỗi ngành, mỗi địa phương nhận thức theo việc của mình, tự bỏ tiền đầu tư khoa học công nghệ, máy móc liên thông nhưng lại không kết nối với nhau. Đây là một bất cập vô cùng lãng phí nguồn lực. Vì vậy, đại biểu sẽ có ý kiến để các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Chính phủ chỉ đạo tập trung thống nhất nguồn lực.