Tham dự buổi gặp mặt có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi; lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ cùng đông đảo cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã tham gia chiến đấu, công tác tại Campuchia.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nêu rõ: Hơn 40 năm trước, trong lúc nhân dân cả nước đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Đảng và kế hoạch 5 năm (1976 - 1980) thì ở biên giới phía Tây Nam, chính quyền “Campuchia dân chủ” do bè lũ Pol Pot - Ieng Sary cầm đầu, thi hành chính sách thù địch, chống phá cách mạng Việt Nam và tàn sát nhân dân Campuchia. Trước hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo, Quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng với bạn phản công, đập tan chế độ Khmer Đỏ.
Trong bối cảnh đó, cuối năm 1978, đoàn chuyên gia TTXVN mang mật danh đoàn S78 được thành lập. Gần 30 cán bộ, phóng viên, điện báo viên, lái xe của TTXVN lại vác ba lô, súng đạn, lương khô cùng cây bút và chiếc máy ảnh bước vào cuộc chiến đấu mới: làm nghĩa vụ quốc tế, phản ánh cuộc chiến đấu của Quân tình nguyện Việt Nam cùng với Quân đội cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary.
Theo Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi, suốt 10 năm sau đó, cán bộ, chuyên gia TTXVN đã giúp xây dựng Thông tấn xã Campuchia - SPK, ngày nay là AKP, một cách vô tư, chí tình, chí nghĩa, sẵn sàng hy sinh cả xương máu của mình với tinh thần “giúp bạn là giúp mình”. Hàng trăm lượt lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ, kỹ thuật viên, công nhân, lái xe của TTXVN lần lượt thay nhau giúp xây dựng AKP cả về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức bộ máy và trang thiết bị kỹ thuật. Từ năm 1989 đến nay, TTXVN tiếp tục hỗ trợ và hợp tác có hiệu quả với AKP. Cùng thời điểm các cán bộ, chuyên gia, phóng viên TTXVN sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế, phân xã TTXVN tại Phnom Penh cũng được tái lập.
Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, dù gian khổ, hy sinh nhưng những năm tháng đầy ý nghĩa ở nước bạn của các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, công nhân, lái xe của TTXVN đã góp phần viết nên những trang vàng trong lịch sử phát triển của TTXVN.
Ôn lại những hoạt động của đoàn chuyên gia, phóng viên của TTXVN tại Campuchia, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Trần Mai Hưởng chia sẻ, Tổ công tác đi làm nhiệm vụ của TTXVN đã rời Hà Nội từ giữa tháng 11/1978 khi tình hình rất khẩn trương. Kết hợp với cơ quan đại diện phía Nam, đoàn công tác đã triển khai nhiều công việc, vừa giúp bạn chuẩn bị nhân lực, hạ tầng cơ sở… cho việc SPK tuyên bố thành lập; đồng thời gấp rút triển khai lực lượng phóng viên khi chiến dịch lớn đã cận kề. Ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập.
Chỉ sau một ngày, ngày 3/12/1978, Thông tấn xã SPK tuyên bố ra đời, chính thức phát đi tin, ảnh về sự kiện quan trọng này. “Cùng thời điểm đó, chúng ta đã triển khai lực lượng đi cùng năm cánh quân lớn trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Năm tổ phóng viên gồm các phóng viên tin, ảnh, lái xe đã theo sát các mũi tiến quân ngay từ đầu chiến dịch. Các tổ phóng viên có nhiệm vụ làm thông tin cho TTXVN và cho cả SPK đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; trong đó tổ phóng viên đi cùng Binh đoàn Cửu Long - Quân đoàn 4 đã có mặt ở Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979, kịp thời có thông tin, hình ảnh về sự kiện này”, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Trần Mai Hưởng nhớ lại.
Sau ngày 7/1/1979, việc giúp đỡ Thông tấn xã SPK chuyển sang một giai đoạn mới, với quy mô lớn và toàn diện trong bối cảnh của tình hình mới, cụ thể giúp bạn bảo đảm thông tin, xây dựng vật chất kỹ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, kỹ thuật viên… và xây dựng mô hình một cơ quan thông tấn phù hợp với điều kiện của Campuchia.
Cho rằng trong lịch sử báo chí thế giới, hiếm có sự giúp đỡ nào vô tư và hiệu quả trong điều kiện đặc biệt khó khăn như của TTXVN với nước bạn Campuchia, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Quốc Uy - phóng viên TTXVN tại Campuchia từ những năm 1980, nhấn mạnh, những đóng góp của các cán bộ, chuyên gia, phóng viên, biên tập viên đã góp phần tạo nên lịch sử của TTXVN. “Nói về lịch sử TTXVN phải có một chương về nghĩa vụ quốc tế, trong đó nêu rõ về nghĩa vụ quốc tế của TTXVN đối với Lào và Campuchia. Chúng tôi vui mừng, tự hào vì đã đóng góp sức mình vào trang sử vẻ vang đó”, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Quốc Uy khẳng định.
40 năm đã qua với nhiều đổi thay, nhưng những cảm xúc, suy nghĩ, kỷ niệm, ký ức trong quãng thời gian đáng nhớ khi công tác tại Campuchia vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của các cán bộ, phóng viên TTXVN. Những tình cảm ấy góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Campuchia trong quá khứ và tương lai.
Một vài hình ảnh tại buổi gặp mặt: