Công tác dân vận chính là mạch nối duy trì mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; lấy chăm lo cuộc sống, lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả công việc, đánh giá cán bộ.
Với tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã bổ sung nhiều nội dung mới về lãnh đạo đối với công tác dân vận. Nghị quyết Đại hội đã đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy cao độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ.
Nghị quyết cũng xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ: Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới.
Đồng thời, đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng đã đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó khẳng định: “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn mới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 30/7/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”. Quy chế quy định rõ trách nhiệm, cơ chế, phương thức công tác dân vận của tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo 5 phương thức lãnh đạo, thực hiện công tác dân vận của Đảng; bổ sung, cụ thể hóa quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đối với công tác dân vận; nêu rõ trách nhiệm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong thời gian qua, công tác dân vận đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Cán bộ dân vận, mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp luôn bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân, động viên, sẻ chia, kịp thời tham mưu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; xây dựng, tổ chức nhiều mô hình, hoạt động tình nguyện hỗ trợ người dân.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, các mô hình dân vận khéo như “Tổ COVID cộng đồng”, “Tổ tự quản của nhân dân”… được xây dựng, hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19 và giữ vững thành quả khi dịch bệnh được kiểm soát, là minh chứng sinh động về phát huy vai trò của nhân dân, nhân dân là chủ thể trong phòng, chống và chiến thắng dịch.
Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và đại dịch COVID-19, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhanh chóng đi vào cuộc sống, trước mắt, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Theo đó, trong bối cảnh mới, mỗi cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng càng cần phải sâu sát cơ sở, gần dân, đánh giá và dự báo chính xác, kịp thời những diễn biến xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để đề xuất giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấp hành các quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân; cầu thị, lắng nghe và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Lấy chăm lo cuộc sống, lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu lãnh đạo, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả công việc, đánh giá cán bộ. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những vấn đề cụ thể liên quan đến đời sống, sản xuất của nhân dân, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập phong cách dân vận của Người: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề cao trách nhiệm nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuân thủ pháp luật và đạo đức, lối sống; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiện toàn, nâng cao chất lượng cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác dân vận; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản của Đảng về công tác dân vận; đồng thời xây dựng, bổ sung các cơ chế phối hợp và nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phối hợp về công tác dân vận.
Công tác dân vận của Đảng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Công tác dân vận không thuần túy chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là một khoa học, một nghệ thuật mà đích đến là đưa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với dân, làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin, từ đó hăng hái, tự nguyện, tự giác tham gia.
Để làm được điều đó, mỗi cán bộ làm công tác dân vận không chỉ rèn giũa về nghiệp vụ mà phải liên tục trau dồi đạo đức trong sáng, tinh thần nêu gương mẫu mực, giữ vững được niềm tin và dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.