Hội nghị nhằm cung cấp thông tin về tình hình ứng dụng chữ ký số, chứng thực chữ ký số, giới thiệu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quá trình triển khai và ứng dụng chữ ký số phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển chính phủ điện tử.
Với xu hướng phát triển của công nghệ, giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến trong các hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước nên yêu cầu về đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch điện tử ngày càng lớn, đa dạng cho mọi loại hình dịch vụ. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng khẳng định: Chữ ký số là một trong những loại hình kỹ thuật công nghệ giúp đảm bảo sự an toàn, bảo mật cao cho giao dịch điện tử.
Việc đẩy mạnh sử dụng chữ ký số góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về việc quản lý, triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan nhà nước và phát triển thị trường dịch vụ chữ ký số công cộng phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội.
Do vậy, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, đồng thời chủ động xây dựng các quy chế về giao dịch điện tử và chữ ký số trong phạm vi quản lý, tích cực triển khai ứng dụng chữ ký số trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban, Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết: Tính đến tháng 9/2019, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin đã cung cấp gần 220.000 chứng thư số triển khai cho các cơ quan đảng và nhà nước. Số lượng chữ ký trên đã phần nào đáp ứng kịp thời nhu cầu về cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan Nhà nước các cấp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc triển khai, nâng cấp các hệ thống quản lý văn bản điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia ở nhiều đơn vị còn chưa bố trí được kinh phí.
Thời gian cấp, đổi chứng thư số chậm dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh khi cán bộ thay đổi vị trí làm việc, chức vụ, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi triển khai ký số trên văn bản điện tử; việc triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của lãnh đạo các đơn vị.
Tại hội nghị, các diễn giả cũng giới thiệu các nội dung quản lý nhà nước về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; vai trò của chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động Chính phủ điện tử, trong đó chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số là hạ tầng pháp lý cho các hoạt động giao dịch điện tử. Ngoài ra, các chuyên gia trong lĩnh vực chữ ký số, bảo mật cũng thảo luận giải pháp nhằm đẩy mạnh sử dụng chữ ký số, sản phẩm, giải pháp tích hợp chữ ký số vào các hệ thống văn bản điều hành của các bộ, ngành, địa phương.
Đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 14 doanh nghiệp, trong đó 10 doanh nghiệp đang hoạt động, 3 doanh nghiệp đang hoàn thiện đầu tư để sớm đi vào hoạt động, một doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép.
Theo thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30/6/2019, có gần 2,7 triệu chứng thư số đã được các doanh nghiệp cấp ra và số lượng chứng thư số đang hoạt động là hơn 1,16 triệu. Các chứng thư số được cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực chính như thuế điện tử, hải quan điện tử và bảo hiểm xã hội điện tử. Ngoài ra còn sử dụng trong các loại giao dịch khác trong tài chính điện tử, ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng điện tử…