Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chữ ký số và Sở thông tin và Truyền thông một số tỉnh phía Bắc.
Năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), Ban Cơ yếu Chính phủ và các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTTTT (ngày 19/12/2017) quy định về việc sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước. Ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28 quy định về việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng thông tin cho biết: Tính đến tháng 9/2018, nước ta đã có các quyết định, quy định về giá trị pháp lý của văn bản điện tử đã ký số được gửi qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành, có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy, thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy. Như vậy, hạ tầng pháp lý để chính thức áp dụng thực hiện việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước theo Quyết định 28/2018 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 1/1/2019 về cơ bản đã đầy đủ.
Đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ nêu ý kiến: Việc ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng đã phát huy hiệu quả trong công tác điều hành, trao đổi văn bản điện tử tại các bộ, ngành. Tại một số bộ, ngành, việc áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử đạt tỉ lệ cao (trên 95%), tiêu biểu là Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải… Các địa phương có tỷ lệ văn bản điện tử áp dụng chữ ký số đạt mức cao là Đà Nẵng, Thái Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Hà Giang…
Thực tế cho thấy, các cơ quan nhà nước vẫn có thói quen làm việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy. Do đó việc thay đổi phương thức làm việc truyền thống dựa trên văn bản giấy sang sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số chuyển biến chậm. Theo khảo sát của Ban Cơ yếu Chính phủ, hiện nay, các cơ quan nhà nước chủ yếu xử lý và phát hành văn bản điện tử định dạng PDF, chữ ký số được hiển thị trên tài liệu PDF. Quy trình ký, kiểm tra chữ ký, vị trí ký số trên tài liệu PDF chưa thống nhất, cần phải có các văn bản hướng dẫn để triển khai chữ ký số cho văn bản điện tử.
Các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý về chữ ký số đã cơ bản đã đầy đủ nhưng vẫn cần ban hành các hướng dẫn chi tiết quy định về hướng dẫn liên thông giữa hệ thống chứng thực (Certification Authority – CA) chuyên dùng Chính phủ, chứng thực công cộng, các văn bản hướng dẫn triển khai chữ ký số trên văn bản điện từ trên thiết bị di động…
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng: Thực tế việc triển khai trao đổi văn bản điện tử hiện còn khó khăn do thói quen, nhận thức cũng như quy trình, kỹ thuật… Thói quen sử dụng giấy tờ in, sự phức tạp khi song hành hai hệ thống vừa văn bản giấy, vừa văn bản điện tử... là những vấn đề cần phải giải quyết. Thủ tục hành chính chưa được chuẩn hóa cũng gây khó khăn cho việc triển khai thực tiễn trao đổi văn bản điện tử.
Qua hội nghị, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia tổng hợp đầy đủ các ý kiến trao đổi, chia sẻ của diễn giả, đại biểu để từ đó phân tích, nắm bắt tổng quan những khó khăn, thuận lợi liên quan đến chữ ký số nói riêng và văn bản điện tử nói chung phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Các vấn đề liên quan đến hệ thống kỹ thuật, an toàn thông tin, bảo mật; thủ tục hành chính chưa chuẩn hóa, khó khăn trong thực tiễn triển khai chữ lý số cần được các đơn vị liên quan tiếp tục xử lý, tháo gỡ để đẩy mạnh sử dụng, ứng dụng, phát huy hiệu quả chữ ký số trong hệ thống cơ quan nhà nước...