EVFTA không chỉ mở cửa thị trường hàng hóa

Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU sẽ điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác như mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm Chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững.

Tại cuộc “Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp” do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/7, đại diện các cơ quan đã nhấn mạnh đến tầm vóc, sự tác động của các Hiệp định này đối với nền kinh tế hai bên, cũng như việc tận dụng cơ hội của cộng đồng doanh nghiệp từ các Hiệp định này.

Chú thích ảnh
Đại diện EU, VCCI và Bộ Công Thương đối thoại về những thời cơ và thách thức của EVFTA.

Không chỉ gia tăng xuất khẩu

Một điều rất đặc biệt: Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU – một FTA với tiêu chuẩn cao. Đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Nói đến một FTA, mọi người thường chú ý đến các cơ hội gia tăng thương mại. Thực vậy, EVFTA là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (các mặt hàng còn lại theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Với những FTA thế hệ mới thì phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa.

"Hiệp định EVFTA điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác như mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan Chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững. Các quy định dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ... là cơ sở để ta tiến hành cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Video Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về việc thực thi EVFTA và IPA sau khi ký kết và có hiệu lực:

Còn Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhìn nhận EVFTA và IPA dưới góc độ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, bên cạnh việc gia tăng xuất khẩu, 2 Hiệp định này cũng được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu khi EU (với 27 nền kinh tế bao gồm nhiều chuỗi sản xuất, nhiều công ty đa quốc gia) cho phép hài hòa các điều kiện về quy tắc xuất xứ, cơ chế hải quan và quản lý hành chính ở biên giới, công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn…

"Từ góc độ thể chế, các quy tắc đầu tư và kinh doanh hiện đại, tiêu chuẩn cao, minh bạch trong EVFTA và IPA sẽ là sức ép, cũng là động lực để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn hơn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chủ thể kinh doanh phát triển thịnh vượng hơn", ông Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng có niềm tin rằng các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội… trong EVFTA sẽ là cơ hội cho chính người dân, các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

"Chúng tôi mong và tin rằng EU sẽ có những hỗ trợ thực chất và hiệu quả, để cùng sát cánh với Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường khó khăn nhưng tất yếu để đi tới tương lai bền vững và tốt đẹp này", ông Vũ Tiến Lộc kỳ vọng.

Theo các tính toán của chuyên gia Việt Nam, nếu EVFTA được thực hiện ngay thì có thể sẽ góp phần làm tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn từ năm 2019 đến 2023; 4,57 đến 5,30% cho giai đoạn năm 2024 đến 2028 và từ 7,07 đến 7,72% cho giai đoạn năm 2029 đến 2033.

Song song với tăng trưởng kinh tế, Hiệp định EVFTA cũng giúp tăng việc làm cho khoảng 146.000 lao động mỗi năm.

Về phía EU, theo nghiên cứu của Ủy ban Châu Âu (EC), EVFTA sẽ làm tăng thu nhập quốc dân của EU trong dài hạn với mức tăng có thể lên tới 29,5 tỷ Euro. Ngoài ra, dự kiến xuất khẩu của EU sang Việt Nam có thể tăng trung bình khoảng 29%. Đó là chưa kể các lợi ích khác đến từ các lĩnh vực dịch vụ, mua sắm của Chính phủ...

Vượt qua thách thức sẽ mở ra cơ hội

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt với Việt Nam - nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.

"EVFTA và IPA là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Nếu Việt Nam tận dụng được một cách hiệu quả thì Hiệp định này sẽ giúp tạo cơ sở vững chắc cho việc củng cố và phát triển quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU lên một tầm cao mới, đem lại lợi ích thiết thực và to lớn cho doanh nghiệp và người dân của cả hai bên", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Video Bộ trưởng Bộ Công Thương trao đổi với báo chí về những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng như cơ hội mở ra khi vượt qua được những thách thức đó:

Đồng quan điểm, theo ông Vũ Tiến Lộc, giai đoạn đầu, thực hiện các điều kiện về lao động, các vấn đề về môi trường và những khía cạnh liên quan khác trong EVFTA và IPA sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các thách thức tuân thủ, nhưng về lâu dài sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững, xanh sạch và nhân văn.

"Điều này cũng giúp các tổ chức xã hội và doanh nghiệp châu Âu có thêm niềm tin khi làm ăn với đối tác Việt Nam, cũng thuyết phục được công dân và người tiêu dùng châu Âu về quyết định lựa chọn đối tác của mình", ông Vũ Tiến Lộc cho hay.

Đại diện cộng đồng hơn 700.000 doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam, EU và từng nước thành viên EU tiếp tục những hành động thực chất và cụ thể để các Cơ quan có thẩm quyền hai bên sớm phê chuẩn EVFTA và IPA, qua đó chính thức cho phép cộng đồng doanh nghiệp hai bên hiện thực hóa những kỳ vọng to lớn từ 2 Hiệp định này.

"Về phía các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các cam kết của 2 Hiệp định, những cơ hội và thách thức đối với ngành mình, doanh nghiệp mình, từ đó có hành động tích cực, chuẩn bị và sẵn sàng để mở khóa các cơ hội lớn từ EVFTA và IPA. Mặt khác, doanh nghiệp cần tập trung mọi nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh, tạo nền tảng vững vàng để có thể tận dụng hiệu quả những cơ hội hội nhập mới", ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.

Chiều 30/6 tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) sau gần 7 năm chính thức đàm phán.

evfta
Nhìn lại tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Đồ họa: TTXVN

 

Bài, ảnh, video: Hoàng Dương/Báo Tin tức
Giới doanh nghiệp EU hy vọng EVFTA sớm được phê chuẩn
Giới doanh nghiệp EU hy vọng EVFTA sớm được phê chuẩn

Sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định tự do thương mại (EVFTA) ngày 30/6 và tiến tới đệ trình để phê chuẩn, phóng viên TTXVN tại Brussels đã phỏng vấn đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp châu Âu để tìm hiểu những thuận lợi của doanh nghiệp châu Âu khi EVFTA được thực thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN