Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Theo dõi thông tin Hội nghị, đánh giá về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính theo mô hình hai cấp, nhiều đảng viên, trí thức cho rằng, đây là một trong những cải cách quan trọng nhằm xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả và phục vụ người dân tốt hơn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Giảng viên Trường Đại học Kinh Bắc nhận định, hiện công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp đã được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy các cấp. Tuy nhiên, công tác này cần bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng; nâng cao chất lượng văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát cho biết, công tác nhân sự nhiệm kỳ 2025-2030 phải bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; đề cao, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, tăng cường ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực quan trọng, trọng yếu. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải thường xuyên làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao…
Để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát đề nghị Đảng bộ các cấp cần thống nhất cụ thể hóa một số mẫu biểu cần thiết văn bản, bảo đảm liên thông, đồng bộ, thống nhất trong các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, kiểm điểm đánh giá toàn diện các hoạt động của nhiệm kỳ qua; tập trung góp ý cho các văn kiện đại hội đảng các cấp; lựa chọn trúng, đúng và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, sớm đưa nghị quyết các cấp vào cuộc sống bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, với phương châm "sâu hơn, kỹ hơn, thực chất hơn" để đạt kết quả cao.
Bên cạnh đó, Đảng bộ các cấp cần xác định 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới, gồm: Đẩy mạnh ứng dụng (khoa học và công nghệ) đặc biệt là công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác; tạo chuyển biến mạnh về kỷ cương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới.
Tinh gọn bộ máy, nâng hiệu quả
Theo ông Nguyễn Tiến Vinh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 3, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước, việc sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp là một bước đi phù hợp, kịp thời và thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng.
Mô hình chính quyền ba cấp ở địa phương, gồm tỉnh, huyện và xã, dù đã phát huy vai trò trong nhiều giai đoạn trước đây, song hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý, vận hành và phân cấp nhiệm vụ. Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng công nghệ thông tin, giao thông kết nối thuận tiện và trình độ đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao, việc rút gọn cấp trung gian là hoàn toàn khả thi và cần thiết để giảm thiểu sự chồng chéo, tăng hiệu quả điều hành, đồng thời đáp ứng yêu cầu về một nền hành chính hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác đảng tại tổ dân phố, ông Nguyễn Tiến Vinh đánh giá cao tinh thần dũng cảm đổi mới, dám nghĩ, dám làm của Trung ương Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, khi xác định rõ mô hình quản trị phù hợp cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Để mô hình hai cấp thực sự vận hành hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đủ năng lực gánh vác nhiệm vụ được phân cấp, đồng thời thiết kế cơ chế hoạt động khoa học, rõ ràng, tránh việc dồn việc mà không đủ quyền hoặc dàn trải mà thiếu hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Tiến Vinh, một khi quyền hạn và trách nhiệm được xác định rõ ràng, các cấp chính quyền sẽ chủ động hơn trong giải quyết công việc, giảm thiểu tình trạng đùn đẩy, né tránh. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm tra, giám sát sau thực hiện cũng cần được phát huy, đảm bảo tính minh bạch và kỷ cương hành chính.
Ông Nguyễn Tiến Vinh đề xuất, cùng với việc tinh giản bộ máy, cần chú trọng tới đội ngũ cán bộ thông qua công tác tuyển chọn, đào tạo, đánh giá năng lực thực tiễn. Đồng thời, các địa phương cần được trao quyền chủ động trong tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện thực tế, tránh áp đặt rập khuôn, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến chất lượng quản lý.
Sự ủng hộ, đồng thuận và niềm tin của nhân dân là yếu tố quan trọng giúp chủ trương cải cách này được triển khai thành công. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại với nhân dân để người dân hiểu rõ mục tiêu, lợi ích của việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền, từ đó đồng hành cùng Đảng và Nhà nước trong tiến trình đổi mới, hiện đại hóa nền hành chính quốc gia.