Mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP), bao gồm: Bội chi ngân sách Trung ương là 347.900 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỷ đồng, tương đương 0,3% GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 572.686 tỷ đồng.
Quốc hội cũng quyết nghị bổ sung 40,322 tỷ đồng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 từ nguồn viện trợ nước ngoài không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á để bổ sung 40,322 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên năm 2021 từ nguồn viện trợ này cho ngân sách tỉnh Quảng Nam để thực hiện Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An.
Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch COVID-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và năm 2022.
Quốc hội cho phép chuyển nguồn 16.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 sang kế hoạch năm 2022 để phân bổ và giao kế hoạch đầu tư cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 6.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 6.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 4.000 tỷ đồng.
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ khẩn trương rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh cắt, giảm, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương điều chỉnh kế hoạch đầu tư công từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân cao, thúc đẩy tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Về thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội quyết nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995; tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.
Quốc hội cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán dành để cải cách chính sách tiền lương, bao gồm: thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ để phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan để đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời nâng cao tính chủ động cho các địa phương; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật thuế và các quy định liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử; áp dụng mức thuế suất hợp lý, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai và phát triển kết cấu hạ tầng.
Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Quốc hội đề nghị Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, khắc phục hậu quả thiên tai; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; phân bổ, giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2021; việc chuyển nguồn vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022 phải tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; trường hợp bất khả kháng, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập; chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả khi mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ; điều hành kinh phí chi trả chi phí phát hành, mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách Trung ương năm 2022 được Quốc hội quyết định.