Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho hay, NSNN năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh kinh tế trong nước vừa chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, vừa chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu (hạn hán, mưa đá, lụt lội, xâm nhập mặn trên diện rộng...).
“Trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến, tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2021, dự toán NSNN năm 2021 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6% so với năm 2020, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 45 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%”, ông Nguyễn Minh Tân cho hay.
Theo đó, dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 (đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến công khai, chuẩn bị trình Chính phủ trình Quốc hội) là 1.343.300 tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Dự toán chi NSNN cân đối NSNN năm 2021 là 1.687.000 tỷ đồng, thấp hơn 60.100 tỷ đồng, giảm 3,4% so với dự toán năm 2020.
Trong bối cảnh thu NSNN chưa thể phục hồi, để có nguồn lực bố trí chi đầu tư phát triển, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ bội chi NSNN năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 343.670 tỷ đồng). Đến hết năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 46,1% GDP điều chỉnh, dư nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP điều chỉnh.
Góp ý cho dự thảo dự toán NSNN năm 2021, ông Vũ Sỹ Cường, Giảng viên Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính) đánh giá, dự thảo dự toán NSNN 2021 có những ưu điểm là đưa ra dự báo thận trọng hơn với cả thu và chi cho năm 2021. Đồng thời, có đánh giá và định hướng cơ bản về thay đổi thu, chi NSNN, trong đó, thuyết minh rõ ràng về thay đổi các khoản thu chính, dự toán chi tiết 10 khoản chi thường xuyên của ngân sách Trung ương. Đặc biệt, dự thảo dự toán đã thể hiện sự thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng tích cực hơn (giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển...).
Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia tài chính cũng băn khoăn việc dự thảo dự toán NSNN được xây dựng trước khi mưa lũ miền Trung diễn ra vào đầu tháng 10/2020, nên các giải pháp và chính sách nhằm khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ chưa được đề cập trong bản dự thảo dự toán NSNN 2021.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân cho biết: Dự thảo dự toán NSNN 2021 do được xây dựng vào tháng 9/2020, nên những dữ kiện liên quan đến tình hình mưa lũ nghiêm trọng xảy ra tại khu vực miền Trung trong tháng 10/2020 chưa có trong dự thảo dự toán mà Chính phủ đang trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, trong nguồn lực ngân sách luôn có những khoản dự phòng để giải quyết những vấn đề do thiên tai gây ra.
Đề cập về Dự toán ngân sách năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích: Dự tính tăng trưởng GDP năm tới ở mức 6 - 6,5% là khá cao, nhất là khi quy mô GDP năm sau tính theo cách mới cao hơn 25%. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh vẫn rất khó dự đoán, khó khăn kinh tế dự kiến còn kéo dài vài năm.
Dựa trên kinh nghiệm và tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án thận trọng và báo cáo chính thức với Thủ tướng về đề nghị tăng thu ngân sách năm tới chỉ ở mức 5 - 7%, với mức tăng GDP khoảng 6 - 6,5%.
Với dự tính kinh tế có thể còn khó khăn trong vài 3 năm tới, trong điều kiện cần tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án, đề xuất đưa bội chi 2021 lên 5% GDP (chưa điều chỉnh), tương ứng 4% GDP đã điều chỉnh. Theo đó, đã có 109.000 tỷ đồng tăng thêm dành cho đầu tư. Tuy nhiên, tổng chi NSNN năm 2021 vẫn giảm khoảng 58.000 - 60.000 tỷ đồng so với năm 2020, do đó vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi thường xuyên.