Dự án sân bay Long Thành: Chậm giải phóng mặt bằng sẽ không kịp tiến độ

Dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến sẽ hoàn thành chậm nhất vào năm 2025, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, đến nay tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn rất chậm chạp, còn nhiều vướng mắc. Các đại biểu Quốc hội lo ngại tiến độ của dự án này khó đáp ứng mục tiêu đặt ra.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày về Dự án cản hàng không Quốc tế Long Thành tại buổi thảo luận tại tổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.

Loay hoay giải phóng mặt bằng

Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Dự án đang được đẩy nhanh các khâu để bắt tay vào triển khai và đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành chậm nhất vào năm 2025.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại khi tình hình giải phóng mặt bằng hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Các đại biểu Quốc hội cũng đều ủng hộ dự án và cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ mới kịp hoàn thành mục tiêu đề ra, giải quyết được tình trạng quá tải nghiêm trọng cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Muốn dự án triển khai được ngay từ năm sau thì phải đảm bảo có đất sạch, trong khi đó, hiện tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn đang rất chậm chạp.

Theo đó, tính đến tháng 8/2019, việc đền bù giải phóng của dự án mới giải ngân được hơn 230 tỷ đồng trong tổng số 11.400 tỷ đồng (giai đoạn 2018-2019). Như vậy, nếu nỗ lực đến hết 2019, tiến độ giải ngân cũng mới chỉ đạt khoảng 15%. Việc giải phóng mặt bằng chậm còn dẫn đến nhiều rắc rối liên quan đến giá cả đất đai đền bù, ảnh hưởng đến kế hoạch, thậm chí có thể làm chậm dự án.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Viết Chữ, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi cũng lo ngại: “Dự án này cần phải đẩy mạnh triển khai sớm hơn nữa bởi nhiều người dân khi đi vào TP. Hồ Chí Minh rất vất vả vì sự quá tải. Tuy nhiên tôi vẫn băn khoăn về tiến độ của dự án, kể cả việc giải phóng mặt bằng và tiến độ triển khai. Đó là chưa kể, nếu không thực hiện biện pháp chỉ định thì việc chọn nhà đầu tư, các bước thiết kế kỹ thuật, thi công để đến năm 2025 có sân bay là cả một vấn đề”.

“Nhu cầu hoàn thành giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025 là hết sức cần thiết do sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Nếu Quốc hội ủng hộ các đề xuất của Chính phủ, dự kiến quý I năm 2020, Thủ tướng sẽ phê duyệt dự án, nhà đầu tư sẽ dành 1 năm để làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán; kết hợp với được bàn giao mặt bằng dự án sân bay Long Thành sẽ khởi công vào đầu năm 2021. Với sự chuẩn bị này, chúng tôi dự kiến đúng tiến độ đến 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết.

Về vấn đề lo ngại trong khâu giải phóng mặt bằng, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đầu năm 2019 Thủ tướng đã phê duyệt dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho dự án. Dự án này phê duyệt tới 5.000 ha trong khi giai đoạn 1 cần 1.810 ha. Cụ thể trong 1.810 ha đất cho giai đoạn 1 thì có 1.200 ha là đất cao su của Tổng công ty cao su, không có dân cư trong đó nên việc giải ngân sẽ giúp nhanh chóng có ngay phần diện tích này.

Phần còn lại, hiện nay Đồng Nai đã tiến hành kiểm đếm trong khoảng 8 tháng nay. Kế hoạch của Đồng Nai từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân được khoảng 2.000 tỷ đồng liên quan đến giải phóng mặt bằng. Phần còn lại của người dân thì theo cam kết của UBND tỉnh Đồng Nai, khoảng tháng 10/2020 sẽ bàn giao cho nhà đầu tư.

“Theo kế hoạch khởi công đầu 2021, chúng ta vẫn còn có một khoảng thời gian dự phòng khoảng 6 tháng để đơn vị đầu tư tiến hành thiết kế, chọn nhà thầu, khẩn trương thực hiện; và đến khoảng tháng 3/2021 sẽ đủ điều kiện khởi công”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Phải tính toán đồng bộ

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nên có giải pháp cho tiến độ xây dựng sân bay Long Thành một cách nhanh nhất. Đồng thời với đó là việc phải sớm đẩy nhanh dự án xây dựng nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất, để giải quyết vấn đề ùn tắc quá tải trước mắt. Bên cạnh đó, giải pháp giao thông cho Dự án mới như thế nào cũng phải tính ngay từ bây giờ, không thể để đến lúc sân bay có rồi nhưng các hạng mục đường ra sân bay chưa đồng bộ lại xảy ra tình trạng tắc đường thì không thể hiệu quả.

“Đối với Dự án này cần có cơ chế đặc thù để triển khai chứ không thể như các dự án đầu tư công khác. Nếu đã mạnh dạn giao cho doanh nghiệp làm thì phải thực sự mạnh dạn giao hết. Đã “bật đèn xanh” về cơ chế đặc thù thì phải mở nữa mới có thể hoàn thành theo kỳ hạn”, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh, đoàn Hà Nội đề xuất.

Về lo ngại chậm tiến độ dẫn đến dự án bị lạc hậu như nhiều dự án đã diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Chúng tôi cam kết các công nghệ đưa vào dự án sân bay quốc tế Long Thành hiện nay là những công nghệ hiện đại nhất, tránh tình trạng sân bay bị lạc hậu. Công tác thẩm định cũng đã được triển khai, Chính phủ đã thành lập hội đồng thẩm định Quốc gia, chọn 1 đơn vị tư vấn nước ngoài để làm công tác thẩm tra để đảm bảo tính khách quan”.

Dự kiến sân bay quốc tế Long Thành sẽ áp dụng các công nghệ hiện đại, đưa trí tuệ nhân tạo vào việc nhận diện hành khách, kiểm tra an ninh; tự động hoá trong quản lý máy bay, thủ tục hàng không…

Hiện công tác thẩm định Dự án sân bay Long Thành đang tiến hành rất khẩn trương. Dự án cũng đã lập hồ sơ đầu thầu Quốc tế và có 7 doanh nghiệp trúng thầu gồm: 2 doanh nghiệp Việt Nam, 1 doanh nghiệp Pháp, 3 doanh nghiệp Nhật, và 1 công ty của Hàn Quốc tham gia phần nhà ga.

Bài, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Hoàn thành kiểm đếm đất tại dự án sân bay Long Thành trong tháng 11/2019
Hoàn thành kiểm đếm đất tại dự án sân bay Long Thành trong tháng 11/2019

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Dự án sân bay Long Thành) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng mức đầu tư trên 22.800 tỷ đồng và giao cho tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư dự án.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN