Đột phá về thể chế để giữ vững đà phát triển kinh tế

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. 

Hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, tỉnh An Giang và Bình Dương thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, vì vậy phải nỗ lực hơn nữa để có thể thực hiện được mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2022, nước ta hoàn thành và vượt 14/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt khoảng 8%, trong khi kế hoạch đề ra là 6-6,5%. Nhiều chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, ngân sách đều đạt. Điều quan trọng hơn là những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đương đầu thì cả thế giới hiện nay cũng đang gặp phải, xuất hiện rất nhiều yếu tố vừa bất định vừa bất ngờ vừa bất ổn và rất bất thường trước những yếu tố của thế giới.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, tình hình lạm phát về giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu của thế giới đều biến động bất thường; đặc biệt là vấn đề tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tác động đến hệ thống tiền tệ của thế giới, cũng như biến động tỷ giá với các đồng ngoại tệ.

Đại biểu cho rằng, khi cơn sóng lạm phát toàn cầu nổi lên cao nhất trong vòng 40 năm qua, tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái. Theo báo cáo mới nhất, dự báo nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng từ 6% năm 2021 xuống còn 3,2% năm 2022 và năm 2023 sẽ còn 2,7%; lạm phát toàn cầu cũng được dự báo vào khoảng 8,8% và sẽ giảm xuống 6,5% trong năm 2023. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Nhiều ý kiến khẳng định, xung đột Nga và Ukraina tiếp tục kéo dài cũng như khủng hoảng năng lượng châu Âu cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung nguyên vật liệu; tình hình bất ổn chính trị xảy ra ở một số nơi cũng gây cản trở dòng chảy thương mại toàn cầu cũng như dòng vốn đầu tư quốc tế; biến đổi khí hậu phức tạp tác động đến sức khỏe của con người và làm cho suy thoát kinh tế thế giới gia tăng. Trước ảnh hưởng của tình hình thế giới nhưng Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, đó là nỗ lực đáng trân trọng và là động lực để chúng ta tiếp tục phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; hoàn thành kế hoạch kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đã đạt 94%, ước cả năm sẽ tăng tới 14,3% so với dự toán. Thành phố Hồ Chí Minh ước thu ngân sách cả năm 2022 khoảng hơn 426 nghìn tỷ đồng, là con số cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với dự toán. Đây là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo chính quyền và nhân dân Thành phố, đóng góp vào mục tiêu chung của cả nước.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay là 585 tỷ đô la, xuất siêu là 7,24 tỷ đô la, rất cao so với cùng kỳ; vốn đầu tư nước ngoài cũng đang tiếp tục gia tăng. Tình trạng nợ công, nợ nước ngoài, nợ xấu của chúng ta đang ở mức thấp cũng chính là cơ sở cho các tổ chức quốc tế tăng mức tín nhiệm với Việt Nam; quốc phòng an ninh được tăng cường và giữ vững; thể chế tiếp tục hoàn thiện, hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện. Tuy nhiên, với tình hình như bên ngoài hiện nay, chúng ta gặp nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ, vì vậy cần quyết liệt hơn trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Thị trường trái phiếu rất quan trọng trong việc huy động nguồn vốn nhưng phải đảm bảo được thể chế minh bạch, hiệu quả để đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp trong việc giao dịch mua bán trái phiếu trên thị trường và phải có cơ chế kiểm tra, giám sát 

“Chúng ta cũng phải tăng cường xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém để tạo ra hệ thống an ninh tiền tệ chặt chẽ và hiệu quả”, đại biểu Ngân nhấn mạnh

Về những giải pháp trong thời gian tới, nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 thì năm 2021 đã bị ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch COVID-19, vì vậy chỉ còn lại 4 năm để hoàn thành được kế hoạch kinh tế - xã hội, cho nên cần nỗ lực rất lớn. 

Để nền kinh tế có thể tiếp tục giữ vững đà phát triển, theo các đại biểu, phải tập trung cho 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định. Đó là đột phá về thể chế để hoàn thiện thật nhanh, đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho cho doanh nghiệp; đột phá về hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt ưu tiên hạ tầng giao thông, hạ tầng số để có thể phát triển một cách đồng bộ; phải tăng cường việc đào tạo nhân lực, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giải quyết vấn đề trái phiếu, làm lạnh mạnh hóa thị trường chứng khoán

Trong báo cáo của Chính phủ cũng đề cập nhiều hơn tới tập trung phát triển văn hóa, chú ý đến văn hóa nhiều hơn so với kinh tế, tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, cho y tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trong lĩnh vực y tế, thời gian vừa qua mặc dù đội ngũ y, bác sĩ, những người trong ngành y đã cống hiến, đã "chiến đấu" hết sức mình để bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân nhưng những chính sách để hỗ trợ cho họ vẫn còn thiếu. Do vậy, cần phải quan tâm hơn đến thu nhập của người làm việc trong lĩnh vực y tế; đồng thời cũng cần có các cơ chế, chính sách để nâng cao thu nhập của đội ngũ giáo viên - đây là hai lĩnh vực có tác động trực tiếp, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường đảm bảo an ninh quốc phòng và an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh), Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung một số tình hình an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế. Hiện có 2 tình trạng là nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt và chưa giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị vật tư y tế. Thực tế như vậy nhưng quyết tâm giải quyết bằng cách nào và đâu là giải pháp đâu thì trong Báo cáo chưa đề cập đến. Do đó, đại biểu đề nghị Báo cáo cần sâu hơn, phải có những phân tích, nhìn nhận về cơ chế, về quan điểm bảo hiểm y tế, về xã hội hóa y tế... 

“Xã hội hóa y tế không có nghĩa chỉ tính giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mà chúng ta vẫn cần một hệ thống song song là hệ thống công lập hoàn toàn, phải được đầu tư, chi trả đúng theo giá thị trường, phản ánh chất lượng để người dân được khám, chữa bệnh”, đại biểu giải thích

Đại biểu Phong Lan nêu ý kiến, chi phí y tế của nước ta không phải ít, dù chưa bằng những nước phát triển nhưng cũng vượt qua được nhiều nước. Nguyên nhân dẫn đến bất cập là do cơ chế và quản lý của chúng ta chưa tốt.

Đại biểu Phan Văn Mãi (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta cần phân tích nhiều hơn những khó khăn đang phát sinh tác động đến nền kinh tế, nhất là những tháng cuối năm để thấy rõ thách thức, từ đó đưa ra giải pháp giải quyết các vấn đề đang được dư luận quan tâm. “Nếu các dự án lớn bị chậm hay dừng lại, chúng ta phải tìm cách khơi thông ở các dự án khác nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn”, đại biểu chia sẻ. 

Đề cập đến vấn đề xăng dầu trong thời gian qua, đại biểu Phan Văn Mãi cho rằng, xăng dầu phục vụ cho sản xuất tương đối đảm bảo nhưng trong sinh hoạt vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, gây ra tình trạng bức xúc trong dư luận. Cần có giải pháp triệt để, kịp thời vì đó không phải là việc nhỏ; nếu thiếu xăng dầu sẽ khiến hoạt động vận chuyển lương thực gặp khó khăn, dẫn đến mất an ninh lương thực. 

Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, giải quyết vấn đề trái phiếu, làm lạnh mạnh hóa thị trường chứng khoán; xem đây là nhiệm vụ cấp bách vì đó là thị trường vốn rất tốt cho trung và dài hạn nhưng nếu xử lý không tốt thị trường này sẽ ảnh hưởng và không thực hiện hiệu quả 

Về Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, đại biểu Phan Văn Mãi cho biết TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị gia hạn 1 năm để tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, đồng thời chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới. "Dự thảo nghị quyết mới phải toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn, với tinh thần phân cấp phân quyền, giải quyết các vướng mắc mà TP Hồ Chí Minh đang gặp phải mà luật chưa quy định, hoặc đã quy định nhưng chưa rõ ràng, chồng chéo" - đại biểu Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đỗ Bình  (TTXVN)
Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; thảo luận tại hội trường về một số dự án luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN