Khi thể chế 'đi trước, mở đường'

Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội XIII của Đảng khẳng định hoàn thiện đồng bộ thể chế là một trong ba đột phá chiến lược cùng với phát triển nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao) và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ xác định hoàn thiện thể chế, pháp luật là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo điều hành năm 2024.

Thể chế vốn được coi là điểm nghẽn của những điểm nghẽn, vì thế, gỡ được điểm nghẽn về thể chế sẽ giải phóng được nguồn lực, khai thông mạch máu của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/1/2025. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ách tắc từ thể chế

Khi các Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công chưa được sửa, đã có biết bao lời kêu ca, phàn nàn rằng có sự mâu thuẫn, chồng chéo ngay trong nội bộ luật và các quy định pháp luật có liên quan; phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để… Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì biết bao cuộc họp, các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh vốn đầu tư công đã họp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân và kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhưng vướng vẫn hoàn vướng vì cái gốc là thể chế chính sách chưa được sửa phù hợp. 

Thực tế cho thấy, thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới rất chặt chẽ, qua nhiều bước mới có thể khởi công và giải ngân kế hoạch vốn. Các dự án thuận lợi nhất từ khi chuẩn bị đầu tư đến khởi công xây dựng cũng mất khoảng 8 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, quy định ở các Luật (Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước...) có sự chồng chéo và chưa thống nhất, dẫn đến công tác tổ chức thực hiện gặp lúng túng và tình trạng “vốn chờ dự án”, “dự án chờ đủ thủ tục”.

Những rào cản ấy đã làm tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, ách tắc nguồn lực, lãng phí tiền của. 

Phát biểu trên nghị trường về các hạn chế, vướng mắc cấp bách cần phải xử lý, tháo gỡ trong Luật Đầu tư công 2019, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải cho rằng, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và kết quả giải ngân trong kế hoạch đầu tư công hằng năm. Một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, sự phân cấp, phân quyền trong Luật Đầu tư công 2019 còn chưa triệt để, nhất là trong điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải trình qua nhiều cấp. Việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện có lúc còn chậm; một số quy định chưa rõ ràng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền gây lúng túng trong quá trình triển khai. 

Gỡ vướng

Trong các nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì nguyên nhân đầu tiên luôn được nhắc đến là vướng về thể chế. “Có tình trạng một số địa phương rất e ngại trong việc xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư..., gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
 
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân đầu tư công từ đầu năm 2024 đến ngày 31/12/2024 là 548.569,3 tỷ đồng, đạt 72,9% kế hoạch. Có 30/46 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Một số cơ quan trung ương giải ngân bằng 0% (Văn phòng Chủ tịch nước, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam), hoặc giải ngân rất thấp (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 10,85%, Ủy ban Dân tộc 11,42%, Đại học Quốc gia Hà Nội 26,55%, Bộ Y tế 28,36%)…

Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 65% như: Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bình Phước, Quảng Ninh. Việc địa phương có kế hoạch lớn như Thành phố Hồ Chí Minh (được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước) nhưng tỷ lệ giải ngân không cao (chỉ đạt 72,49%) đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. 

Trước đó, tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ điều chỉnh giảm trên 8.446 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2024 do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất “trả lại vốn”, để bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương khác. Trong Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024, Thủ tướng đã phê bình 31 bộ, cơ quan trung ương cùng 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. 

Để tháo gỡ những vướng mắc về thể chế này, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật (Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật trên sẽ tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, tài sản công; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư đó là phân cấp mạnh, để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. 

Báo cáo tại Phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy cho biết, Quốc hội, Chính phủ xác định điểm nghẽn thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn cần khai thông. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc phát sinh. 

Trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, qua đó kịp thời chỉ đạo, định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng pháp luật, kịp thời chỉ đạo các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các luật, các dự án văn bản quy phạm pháp luật đã có trong chương trình, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ, kiên quyết khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản; ưu tiên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 29 luật, tăng 13 luật so với năm 2023; Chính phủ ban hành 182 nghị định, tăng 90 nghị định so với năm 2023 và ban hành theo thẩm quyền 496 thông tư, qua đó tiếp tục hoàn thiện thể chế của nền hành chính, kịp thời thích ứng, điều chỉnh hiệu quả các mối quan hệ kinh tế - xã hội.

Bộ Tư pháp đã tiếp nhận 3.292 văn bản quy phạm pháp luật; đã kiểm tra và kết luận, kiến nghị xử lý đối với 166 văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung (gồm 27 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 139 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh).

Các luật sửa đổi, bổ sung mới được ban hành có thể có độ trễ nhất định, nhưng mang đến kỳ vọng “cởi trói” về mặt pháp lý, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển. Điều này sẽ giúp cho năm 2025 – chặng nước rút trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) tăng tốc, bứt phá và về đích với kết quả cao nhất.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 237/QĐ-TTg ngày 27/1/2025 điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 trong nội bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN