Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Y tế
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách Kiểm toán Nhà nước giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với 459/460 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội).
Với 434/458 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 87,15% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021 - 2026; ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trước đó, ngày 24/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao quyết định của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách Kiểm toán Nhà nước.
Ông Ngô Văn Tuấn, sinh năm 1971; quê Bắc Ninh. Ông Ngô Văn Tuấn từng kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau, trong đó có thời gian dài gắn bó với ngành Tài chính. Ông từng được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, sau đó được điều động giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình. Từ tháng 10/2020 đến nay, ông là Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình.
Ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Quyết định của Bộ Chính trị điều động bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh khóa XV, giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bà Đào Hồng Lan sinh năm 1971, quê ở Hải Dương. Trước khi được bổ nhiệm Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Đào Hồng Lan là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Bà Đào Hồng Lan từng là Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Phó Chánh Văn phòng, Chánh Văn phòng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1973, quê Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Thắng từng giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh.
Trước đó, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Sỹ Thanh; thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Thể.
Theo Quyết định số 567/QĐ-TW ngày 14/7/2022, Bộ Chính trị quyết định ông Trần Sỹ Thanh thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước; điều động, phân công ông Trần Sỹ Thanh tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sau đó, ông Trần Sỹ Thanh được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Liên quan đến việc Quốc hội xem xét phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 17/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay cũng như trong nhiệm kỳ khóa XIV, ông Nguyễn Văn Thể đã cùng tập thể lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội giao. Hình ảnh ông Nguyễn Văn Thể xuất hiện ở các mặt trận, trong đó có trả lời tại các phiên chất vấn của Quốc hội rất trách nhiệm, sâu sát. Đến nay, theo nguyện vọng cá nhân và theo phân công của cấp có thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể.
Sẽ được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe
Công tác xây dựng pháp luật cũng là nội dung trọng tâm trong ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 4. Trong phiên họp sáng 21/10, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về nhiều nội dung quan trọng; nghe Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá). Biển số không được lựa chọn để đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định của Bộ Công an. Đáng chú ý là sẽ được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe theo quy định; không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, vùng 1 (gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) 40 triệu đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại) 20 triệu đồng.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV để quyết nghị việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan.
Từ đó, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là một nội dung trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Cụ thể: “Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức".
Liên quan đến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Trong phiên họp chiều 21/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Cơ bản tán thành với phương án hoàn thiện quy định về cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) lưu ý, khi đấu giá sử dụng băng tần vô tuyến điện, thì tiêu chí về thời gian sử dụng là một tiêu chí quan trọng và phải có trong nội dung đấu giá. Cho rằng, việc nội dung đấu giá chưa đề cập đến thời hạn sử dụng băng tần là không phù hợp, theo đại biểu Trần Văn Tiến, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định tại khoản 3, Điều 14, dự thảo Luật để phù hợp với nguyên tắc nêu trên.