Cụ thể, trận động đất xảy ra lúc 9 giờ 27 phút 12 giây (giờ Hà Nội) ngày 27/5, có tọa độ 20.196 độ Vĩ Bắc, 105.778 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 17 km. Độ rủi ro thiên tai cấp 0. Tại khu vực này đã xảy ra động đất vào năm 2005, gần đây nhất là năm 2017.
Trước đó, ngày 26/5, một trận động đất có độ lớn 3.3 đã xảy ra trên địa bàn biên giới Việt Nam - Lào, cách trung tâm thị trấn Mường Xén (huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An), khoảng 50 km.
Tại khu vực trung tâm Mường Xén của huyện Kỳ Sơn, người dân cảm nhận sự rung lắc rõ hơn khi ở trong những ngôi nhà xây cao tầng, tuy nhiên dư chấn chỉ kéo dài từ 2 đến 3 giây. Sau khi dư chấn kết thúc, các hoạt động, nhịp sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn trở lại bình thường.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho hay, người dân không nên quá lo lắng vì trận động đất này. Nghệ An cũng là một địa phương thường xảy ra động đất do nằm trong hệ thống đứt gãy Sông Cả; các trận động đất có độ lớn 5.0 trở lên mới gây thiệt hại.
Theo các nhà khoa học, tâm chấn động đất được ghi nhận không phân bố ngẫu nhiên, mà tập trung vào một số đới cụ thể. Ở miền Bắc, động đất xảy ra dọc các đới đứt gẫy Mường La - Bắc Yên, Sơn La, Sông Mã...
Trong lịch sử, trận động đất mạnh nhất ghi được trên hệ thống đứt gãy sông Cả có độ lớn 5.5, xảy ra vào năm 1821, tại địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 1986, một trận động đất mạnh có độ lớn 5.0 đã xảy ra trên hệ thống đứt gãy sông Cả thuộc địa phận Lào, làm chấn động các vùng Kỳ Sơn, Con Cuông của tỉnh Nghệ An. Thống kê của Viện Vật lý địa cầu cho thấy trong thế kỷ XX đã ghi nhận được 3 - 4 trận động đất có độ lớn 5.1 - 5.3 trên hệ thống đứt gãy sông Cả.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo, khi xảy ra động đất, người dân nên bám chặt vào một khung cửa hoặc chui xuống gầm bàn trong trường hợp ở tòa nhà có kết cấu vững chắc. Nếu ở ngoài trời thì người dân cần tránh xa các đường dây điện, cột điện, nên chạy tới vùng đất trống. Nếu đang lái xe, người dân cố gắng tấp vào bên đường và dừng lại.