Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo Trung ương, địa phương; gia đình đồng chí Lê Hồng Sơn.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng chỉ đạo: Các đại biểu tập trung thảo luận, cung cấp thông tin, tư liệu về đóng góp của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với sự ra đời của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Lê Hồng Sơn - học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung, tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; đồng chí Lê Hồng Sơn, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An.
Hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan, nhà khoa học trong và ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An.
Các tham luận tập trung phân tích, đánh giá hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Lê Hồng Sơn trên những nội dung chủ yếu như: Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành nhân cách và chí hướng cứu nước của đồng chí Lê Hồng Sơn. Đây là nền tảng ban đầu, góp phần sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, thúc đẩy đồng chí Lê Hồng Sơn tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống thực dân và sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, đi theo con đường cách mạng vô sản.
Nhiều báo cáo, tham luận khoa học Cũng tập trung làm rõ những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với cách mạng Việt Nam.
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã thống nhất khẳng định, tấm gương đạo đức sáng ngời của người cộng sản kiên trung, bất khuất của đồng chí Lê Hồng Sơn.
Đối với quê hương, đồng chí Lê Hồng Sơn là một trong những người con ưu tú, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của đất nước và Nhân dân trong thời kỳ dựng Đảng, cũng như những năm tháng khó khăn nhất, khi Đảng vừa mới thành lập và lãnh đạo cách mạng. Đồng chí góp phần làm rạng danh và tô thắm thêm truyền thống văn hóa, cách mạng vẻ vang, hào hùng của quê hương Lam Hồng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Hội thảo không chỉ tiếp tục làm sâu sắc và sáng rõ hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, phẩm chất cách mạng kiên cường của đồng chí Lê Hồng Sơn, mà còn là việc làm thiết thực, tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Kết quả Hội thảo là căn cứ quan trọng để xây dựng báo cáo kiến nghị trình Bộ Chính trị, đề xuất bổ sung đồng chí vào danh sách “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”. Đồng thời, là cơ sở khoa học để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hăng hái học tập, lao động, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
GS.TS Lê Văn Lợi cũng đề nghị, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An phối hợp chặt chẽ để tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tư liệu làm sáng rõ hơn nữa cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với cách mạng Việt Nam cũng như quê hương Nghệ An.
Đồng chí Lê Hồng Sơn tên thật Lê Văn Phan, ở làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1923, ông cùng với một số đồng chí như Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lâm Đức Thụ... thành lập Tâm Tâm xã.
Năm 1924, ông là người hỗ trợ cho Phạm Hồng Thái ám sát Toàn quyền Đông Dương Merlin ở khách sạn Victoria, Sa Diện, Quảng Châu, nhưng mưu sát không thành. Năm 1925, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên) và trở thành cánh tay đắc lực của Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1929, đồng chí Lê Hồng Sơn là người giữ vai trò quyết định trong việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ông cùng với Hồ Tùng Mậu góp phần tích cực trong việc hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 tại Cửu Long (Hương Cảng). Ngày 26/9/1932, ông bị mật thám Pháp bắt ở Thượng Hải giải về Việt Nam giam ở nhà lao Vinh, sau đó đem ra xét xử và bị thực dân Pháp kết án tử hình.
Trong suốt 13 năm hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Lê Hồng Sơn được Đảng giao cho những nhiệm vụ khác nhau để hoạt động cách mạng. Dù nhiều lần bị địch bắt và dùng mọi thủ đoạn tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ nhưng không thể nào khuất phục được bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung.