Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong hai vùng đồng bằng có diện tích canh tác lớn nhất trong cả nước với nhiều tiềm năng sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái… Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều vùng tiềm năng đã mất đi thế mạnh do công tác quy hoạch, khai thác cũng như đầu tư không tương xứng về cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế. Để vực dậy sức mạnh tiềm tàng của vùng ĐBSCL, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp có tính đột phá, tập trung vào thế mạnh của từng vùng, trong đó có việc hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển công nghệ sau thu hoạch.
Nhận diện tiềm năng
ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, trong đó có 1,68 triệu ha đất phèn (chiếm 44% diện tích chung) tập trung ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Đất phù sa có 1,16 triệu ha (chiếm 30%) tập trung dọc theo hai bờ sông Tiền và sông Hậu. Đất mặn ven biển có 0,7 triệu ha (chiếm 18%), rừng ngập mặn và các loại đất khác chiếm 8%. ĐBSCL nằm trong vùng khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 27oC, lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.500 - 2.000 mm, lũ lụt xảy ra từ cuối tháng 8 kéo dài đến tháng 11… Những điều kiện khí hậu này kết hợp với nguồn đất phù sa màu mỡ đã giúp ĐBSCL trở thành vựa lúa, thủy sản và trái cây lớn nhất nước.
Thu hoạch lúa đông xuân sớm năm 2012 tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Với những đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng riêng biệt, vùng ĐBSCL từ lâu đã được biết đến như là “vựa lúa” của Việt Nam. Nét nổi bật về sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL trong những năm qua là cải tạo đồng ruộng, tăng vụ và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Ngày nay, khu vực ĐBSCL đã trở thành thủ phủ về sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản hàng hóa của Việt Nam.
Trong đó, gieo trồng lúa nước và các loại cây ăn quả của người nông dân vùng ĐBSCL đang ngày càng được đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại. Sản xuất lúa không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong vùng mà còn giữ vai trò quyết định đến an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của cả nước. Nhiều loại cây ăn trái có lợi thế đang phát triển nhanh, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với nhu cầu thị trường, trong đó có một số loại đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền thương hiệu như xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè - Tiền Giang), sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng Ri6, bưởi da xanh (tỉnh Bến Tre), bưởi Năm Roi, cam sành (tỉnh Vĩnh Long), xoài Châu Nghệ (Trà Vinh) và một số hợp tác xã và doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận chất lượng quốc gia - quốc tế như: Dứa VietGAP Tiền Giang, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (GlobalGAP), GlobalGAP chôm chôm ở tỉnh Bến Tre.
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, từ năm 2001-2010, năng suất lúa vùng ĐBSCL tăng từ 4,3 tấn/ha lên 6,3 tấn/ha, nâng sản lượng từ 16 triệu tấn lên 21,6 triệu tấn. Hằng năm, xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD, chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cây ăn trái phát triển nhanh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nhu cầu thị trường, một số giống đã có thương hiệu như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn… Đến cuối năm 2010, toàn vùng có hơn 400.000 ha cây ăn trái, chiếm 40% diện tích cả nước, đạt 3,5 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm 2001, chiếm khoảng 70% sản lượng trái cây cả nước.
Ngoài ra, ĐBSCL là vùng nuôi, đánh bắt thủy sản lớn nhất nước, chiếm 70% diện tích nuôi, 58% sản lượng thủy sản cả nước. Trong những năm qua, cơ cấu sản xuất trong ngành thủy sản chuyển biến theo hướng tăng tỉ trọng nuôi trồng từ 236.200 ha năm 2001 lên 736.400 ha năm 2010, sản lượng từ 444.000 tấn lên 1,9 triệu tấn, tăng 4,4 lần. Trong đó xuất khẩu cá tra, tôm trở thành những ngành kinh tế chiến lược của quốc gia. Trong giai đoạn 2001-2010 giá trị sản xuất ngành thủy sản toàn vùng đã tăng từ 15.785 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994) lên 37.762 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 10%, chiếm 67,4% tổng giá trị thủy sản toàn quốc. Các sản phẩm thủy sản khá đa dạng, trong đó sản phẩm chính là cá tra và tôm sú. Cơ cấu sản xuất thủy sản chuyển biến theo hướng hiệu quả và bảo vệ môi trường, nguồn lợi, tỷ trọng thủy sản nuôi trồng trong tổng giá trị sản xuất thủy sản đã tăng từ 41% năm 2000 lên 75,4% năm 2010.
Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đạt được những thành tựu như trên là nhờ Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị được ban hành kịp thời, trong đó đã định hướng rõ, đánh giá đúng đặc điểm, vị trí quan trọng, tiềm năng, lợi thế và những khó khăn của vùng, làm cơ sở cho các địa phương, bộ, ngành ưu tiên mục tiêu, tập trung tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng giai đoạn 2001-2010 đạt 11,7%/năm, giá trị sản xuất năm 2010 đạt gần 337.000 tỉ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 9,3 tỉ USD.
Đầu tư chưa tương xứng
Theo các chuyên gia, mặc dù vùng ĐBSCL tập trung tiềm năng rất lớn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước, trong đó, ngành nông nghiệp đóng góp cho GDP trên 20%, tuy nhiên mức đầu tư vào vùng này chỉ chiếm khoảng 7%.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Sản xuất trái cây ở ĐBSCL còn manh mún, nhỏ lẻ, làm ra sản lượng khá lớn nhưng đầu ra không ổn định. Tuy hiện nay có chương trình VietGAP áp dụng cho một số loại cây ăn trái nhưng diện tích còn quá nhỏ, không đáp ứng nhu cầu thị trường ngoài nước”. Ngoài ra, ĐBSCL có tiềm năng khai thác thủy hải sản dồi dào nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ cho khai thác như: Cảng cá; bến cá; chợ cá; khu neo tránh, trú bão chưa đáp ứng nhu cầu lớn của tàu thuyền trong vùng.
Thu hoạch lúa đông xuân tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) . Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Do đầu tư chưa kịp thời nên dù ĐBSCL hàng năm làm ra 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% lượng thủy sản và 70% lượng trái cây của cả nước nhưng tiêu thụ thông qua hợp đồng đạt tỉ lệ rất thấp. Trong đó, lúa mới đạt 10% sản lượng hàng năm, các nông sản khác tiêu thụ không đáng kể, từng thời điểm một số sản phẩm như cá tra, trái cây, rau củ tồn đọng lớn. Nhiều hợp đồng đã được ký kết cũng chưa được theo dõi chặt và các bên vi phạm cũng chưa bị chế tài. Đa số nông dân, doanh nghiệp còn “tự bơi” nên việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế còn bất cập.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tuy được tập trung đầu tư cho ĐBSCL trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các công trình cầu Vàm Cống, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, tuyến đường sắt TP.HCM - Mỹ Tho triển khai ì ạch. Những tuyến đường huyết mạch xuống cấp như quốc lộ 91 nối TP Cần Thơ với TP Long Xuyên (An Giang) và nối Long Xuyên với biên giới. Hiện còn 144 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã; các cảng nằm dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu, cảng biển Đại Ngãi, Hòn Chông chưa được đầu tư xây dựng. Về thủy lợi, chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau và dự án thủy lợi Ba Lai (Bến Tre) đầu tư chưa đồng bộ…
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Đi đầu trong việc thí điểm hình thành vùng sản xuất tập trung, thời gian qua, hiệu quả của mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Vĩnh Bình, tỉnh An Giang do Công ty CP Bảo vệ thực vật An giang triển khai trên diện tích 1.600 ha tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành vào vụ hè thu 2011 theo hình thức khép kín đã gây ấn tượng cho nhiều nhà quy hoạch và định hướng phát triển của vùng ĐBSCL. Mô hình này thành hình do nhu cầu liên kết phổ biến như tổ chức cung ứng giống lúa đầu vào; hợp tác với doanh nghiệp cung ứng phân bón; hợp tác với doanh nghiệp thu mua lúa giống; hợp tác với doanh nghiệp khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại An Giang đã tạo thị trường tiêu thụ nông sản cho người nông dân ổn định
Nhờ vậy, lợi nhuận trong mô hình khoảng 27 triệu đồng/ha trong khi lợi nhuận ngoài mô hình chỉ 15 triệu đồng/ha. Điều quan trọng hơn, vị thế người nông dân hoàn toàn thay đổi, thay vì bán lúa ở thế bị động, họ bán lúa ở thế chủ động.
Theo đánh giá chung của UBND tỉnh An Giang, lợi ích mang lại từ mô hình này khá lớn, nông dân có thu nhập cao và an tâm trong sản xuất.
Định hướng sự phát triển của vùng này trong thời gian tới, mới đây trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2011, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2012, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã đưa ra mục tiêu phát triển trong 3 năm tới (đến năm 2015).
Theo đó, mỗi tỉnh vùng ĐBSCL phấn đấu bao tiêu theo hợp đồng mỗi năm ít nhất từ 40 - 50% sản lượng lúa đông xuân và hè thu; từ 40 – 60% lượng cá tra, tăng gấp 5 lần so với hiện nay. Tỉ lệ này sẽ được nâng dần trong những năm tiếp theo. Các tỉnh phấn đấu bao tiêu các mặt hàng chủ lực khác như trái cây, rau, thịt gia súc, gia cầm với số lượng năm sau cao hơn năm trước.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các tỉnh ĐBSCL hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển công nghệ sau thu hoạch, phối hợp thực hiện chặt chẽ các khâu từ sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản. Các địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường công tác dự báo thị trường, kiểm tra chất lượng nông sản. Các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản; liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài có cùng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường; có chiến lược phát triển thị trường nội địa với kênh phân phối hiệu quả.
Các tỉnh ĐBSCL qui hoạch sản xuất theo hướng phù hợp môi trường sinh thái, công nghệ cao, tương thích với thị trường quốc tế; kiểm tra chặt chẽ chất lượng thuỷ sản, đánh số vùng nuôi để làm cơ sở truy xét nguồn gốc sản phẩm thủy sản. Cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ để người nuôi biết cách tạo ra sản phẩm sạch, bố trí nuôi trong từng thời điểm để không ứ đọng sản phẩm. Các doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất để có nhiều sản phẩm tinh chế hơn; quản lý chất lượng hiệu quả hơn để uy tín thương hiệu nông thủy sản Việt Nam bền vững. Sản xuất nông thủy sản vùng ĐBSCL được điều chỉnh lại, cơ cấu sản xuất phải gắn chặt với chế biến, bảo quản và vận chuyển bằng kỹ thuật, công nghệ cao; gắn chặt hơn nữa vùng nguyên liệu với thị trường, gắn liên kết và hợp tác giữa ĐBSCL với trong và ngoài vùng, với quốc tế; tạo điều kiện tốt hơn để kinh tế hộ chuyển nhanh sang kinh tế trang trại, gắn với các hình thức hợp tác và hệ thống bao tiêu các kênh thương mại, dịch vụ.
Thành Hiển