Đón thời cơ phát triển từ những công trình trọng điểm kết nối các vùng miền

Sáng 24/12, cùng với Lễ khánh thành, đưa vào khai thác Cảng hàng không Điện Biên do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tại điểm cầu chính ở thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Lễ khánh thành 3 dự án giao thông quan trọng khác gồm: Tuyến đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 cũng đồng thời được tổ chức trực tuyến, kết nối các điểm cầu tại các tỉnh có dự án.

Chú thích ảnh
Cầu Đoan Hùng dài 516m bắc qua sông Chảy, là cây cầu vượt sông duy nhất trên tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Cùng chung vui với người dân ở các điểm cầu có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại Tuyên Quang; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Tiền Giang; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Vĩnh Long; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có các dự án trên địa bàn; các nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kết, tư vấn giám sát...

Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ: Mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Tuyên Quang

Khánh thành vào vào ngày 24/12, Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dấu mốc quan trọng, mở ra không gian phát triển mới, giúp mở rộng liên kết vùng, tăng lợi thế cạnh tranh về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang và các địa phương trong vùng; giúp giảm tải cho Quốc lộ 2, rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội từ 2 giờ 30 phút xuống chỉ còn hơn một giờ. Không những vậy, tuyến cao tốc này sẽ tạo khí thế mới và xung lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang trong những năm tới.

Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài tuyến 40,2 km (tỉnh Tuyên Quang dài 11,63 km; tỉnh Phú Thọ 28,57 km), tổng mức đầu tư hơn 3.712 tỷ. Dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 14m, tốc khai thác tối đa 90km/h. Dự án có ký hiệu toàn tuyến là CT.02; điểm đầu của dự án ở xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang; điểm kết thúc tại nút giao IC9 cao tốc Nội Bài-Lào Cai trên địa phận thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Dự án hoàn thành giúp rút ngắn thời gian kết nối giữa Tuyên Quang, Phú Thọ với Thủ đô Hà Nội. Trong tương lai không xa, khi tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hoàn thành sẽ tạo trục đường cao tốc nối liền Hà Nội với Tuyên Quang và Hà Giang, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang và khu vực trung du, miền núi phía Bắc. 

Triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương đã phát động các phong trào thi đua, các chủ thể tham gia đã tập trung huy động nhân lực, thiết bị, tài chính, nỗ lực thi công ngày đêm, thực hiện đúng cam kết thi đua về tiến độ từng gói thầu. Hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày, đêm, vì công việc, vì tình yêu đất nước, yêu nghề đã vượt qua tất cả sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường lao động, bám máy, bám công trường thi công không ngơi nghỉ. Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” vượt qua những khó khăn, thách thức, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác để phục vụ hân dân vào dịp năm mới 2024.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn thông tin, Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án cao tốc đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt hơn, Dự án được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, giao cho tỉnh Tuyên Quang là cơ quan chủ quản thực hiện. Đây là tuyến đường cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang nói riêng và của vùng Trung du, miền núi phía Bắc nói chung. Trong quá trình thi công đường cao tốc trên địa bàn miền núi, địa hình phức tạp, có nơi độ dốc lớn, vách đá cao, tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, là giai đoạn thi công nước rút từ đầu tháng 10/2023 đến nay, tỉnh đã phát động đợt thi đua “78 ngày đêm vượt nắng, thắng mưa”, Chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn, đơn vị giám sát đã bám sát hiện trường, giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công. Các đơn vị thi công đã tích cực tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị, thi công "3 ca, 4 kíp" xuyên ngày, xuyên đêm để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch.

Việc Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ hoàn thành cũng đem lại những kinh nghiệm quý báu để tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quản lý, thực hiện dự án đường bộ cao tốc thứ 2 trên địa bàn tỉnh, đó là Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với Cửa khẩu Thanh Thủy.

Chú thích ảnh
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tiền Giang đón thời cơ phát triển từ công trình cầu Mỹ Thuận 2

Cầu Mỹ Thuận 2 khánh thành và đưa vào sử dụng trong sáng 24/12 là công trình thiết thực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, đây là công trình giao thông trọng điểm của quốc gia, mang ý nghĩa kinh tế - xã hội thiết thực đối với tỉnh Tiền Giang – địa phương nằm khu vực sông Tiền nói riêng và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Công trình giúp kết nối Tiền Giang với mạng lưới giao thông trọng điểm quốc gia, tạo thuận lợi trong giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa của nhân dân, phát huy các tiềm năng kinh tế - xã hội, thúc đẩy khai thác các thế mạnh của địa bàn các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây, nhất là các vùng chuyên canh cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương như vùng trồng cây ăn quả đặc sản, vùng trồng lúa năng suất cao…, cũng như thu hút đầu tư phát triển nói chung.

Trước mắt, công trình cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào sử dụng sẽ giúp hoàn thiện mạng giao thông được đầu tư trước đó như: Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Trung Lương – Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối Quốc lộ 1 và các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh tiếp giáp các tỉnh Đồng Tháp, Long An và vùng Đồng Tháp Mười.

Mặt khác, công trình thiết thực giúp giảm ùn tắc giao thông qua địa bàn Tiền Giang, khắc phục điểm “nghẽn” về giao thông trong khu vực lâu nay, đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, giảm chi phí logistic đồng thời phát huy hiệu quả các công trình giao thông trọng điểm đã được đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng. Từ đó, Tiền Giang sẽ tận dụng thời cơ từ công trình cầu Mỹ Thuận 2 kết nối cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Mỹ Thuận – Trung Lương và Trung Lương – Thành phố Hồ Chí Minh mang lại với quyết tâm đi nhanh và đi xa hơn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy Trần Văn Thức kỳ vọng, công trình cầu Mỹ Thuận 2 được khánh thành đưa vào sử dụng kết nối các dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng đã được đầu tư xây dựng qua địa bàn như: tuyến tránh Quốc lộ 1, Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, tuyến tránh đường tỉnh 868, Bờ kè sông Ba Rày; nâng cấp mở rộng các tuyến đường nội thị kết nối mạng lưới giao thông chung của tỉnh, của Trung ương sẽ mở ra bước ngoặt thúc đẩy phát triển giao thương, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã Cai Lậy – đô thị đầu tàu của vùng phía Tây tỉnh Tiền Giang, hiện đang kỷ niệm 10 năm thành lập (26/12/2013 – 26/12/2023).

Công trình cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền nối cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và Mỹ Thuận – Trung Lương, Trung Lương – Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình có tổng vốn đầu tư trên 5.003 tỷ đồng, được khởi công từ 16/3/2020 và chính thức khánh thành đưa vào sử dụng ngày 24/12/2023. Qui mô công trình gồm tổng chiều dài trên 6.600 m, trong đó cầu chính có chiều dài trên 1.900 m, nhịp dây văng dài 350 m; tĩnh không thông thuyền 37,5 m; bề rộng mặt cầu 28 m với 4 làn xe trong giai đoạn 1 và tốc độ thiết kết 80 km/g. Cầu được xây dựng cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu.

Chú thích ảnh
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tạo động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư vào Vĩnh Long

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm nhiều dự án thành phần, trong đó qua địa phận tỉnh Vĩnh Long có 2 dự án là: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và Dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, chiều dài tuyến 23 km. Dự án đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp; có điểm đầu tại Km107+363, thuộc phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long kết nối với Dự án cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại Km130+337, thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long kết nối với Quốc lộ 1 tại nút giao Chà Và.

Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào ngày 01/02/2021, hiện đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng thông xe, đưa vào khai thác.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và Dự án cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ dài 120 km. Hai dự án hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay, dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc Đồng bằng sông Cửu Long hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Thành phố Cần Thơ nói riêng.  

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, đây là 2 trong số các dự án trọng điểm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Hai dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; nối liền tuyến đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Cần Thơ, trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh, thành trong vùng với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh cho các tỉnh, thành trong vùng.

Ông Lữ Quang Ngời khẳng định, đối với tỉnh Vĩnh Long, hai dự án khi đưa vào khai thác sẽ giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh; giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Vĩnh Long. Bên cạnh đó, hai dự án sẽ giúp tỉnh tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, còn có một ý nghĩa lớn hơn khi trong thời gian tới, các dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành sẽ gắn kết với các dự án này, hình thành trục cao tốc dọc và ngang của vùng, tăng tính kết nối của tỉnh Vĩnh Long đến các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, để đảm bảo tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường cao tốc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên xây dựng trục động lực, các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng để tăng tính kết nối với tuyến cao tốc và từng bước hình thành, phát triển 2 hành lang kinh tế của tỉnh gồm: hành lang kinh tế dọc sông Hậu, hành lang kinh tế dọc sông Tiền. Qua đó, tỉnh phát triển hạ tầng các các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, du lịch trên các hành lang kinh tế theo hướng xanh, bền vững; đồng thời, đầu tư các tuyến đường kết nối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ theo quy hoạch để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vũ Quang, Minh Trí, Minh Tuấn (TTXVN)
Ngày 24/12 khánh thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ
Ngày 24/12 khánh thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

Sáng 24/12, tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành và đưa vào khai thác đồng thời 4 dự án giao thông quan trọng, trong đó có Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN