Tại phiên làm việc sáng 25/5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 29 điều, bao gồm các quy định chung; hòa giải viên; trình tự thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức thí điểm về tăng cường, đổi mới hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổng kết thực hiện hòa giải, đối thoại theo quy định của pháp luật hiện hành; tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm trong nước và quốc tế về những nội dung có liên quan; tổ chức các phiên họp của ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật; đánh giá tác động và xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật; tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành hữu quan, các thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án trên toàn quốc…
Trong đó, việc thí điểm công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thu được những kết quả tích cực; các vụ việc hòa giải, đối thoại thành đạt tỷ lệ khá cao.
Quá trình thảo luận cho thấy, dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn còn một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau như: kinh phí hòa giải, đối thoại tại tòa án; tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án; trách nhiệm của tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; thù lao cho hòa giải viên; trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại tòa án; thời hạn hòa giải, đối thoại; người đại diện hợp pháp của các bên hòa giải, đối thoại; việc hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Một vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên. Điều 9, dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định, hòa giải viên, đối thoại viên ngoài đối tượng là người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu, những người là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên.
Một số ý kiến tán thành quy định này nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên tại Tòa án, bởi lẽ đây là chế định đặc biệt nên cần thu hẹp nguồn bổ nhiệm theo hướng nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ hòa giải viên.
Bên cạnh đó, nhiều số ý kiến cho rằng đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác, dự án Luật chỉ cần quy định là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình (hoặc thời hạn 5 năm), không cần giới hạn phải đủ 10 năm kinh nghiệm, bởi lẽ, nhiều trường hợp luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn trẻ nhưng có năng lực, trình độ, kỹ năng hòa giải tốt. Quy định theo hướng này sẽ góp phần mở rộng nguồn bổ nhiệm hòa giải viên.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đa số ý kiến đại biểu thống nhất cho rằng Nghị quyết đã góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông nghiệp - nông thôn theo hướng hiện đại, tạo sự cạnh tranh về nông nghiệp trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, dù nền nông nghiệp đã có nhiều bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên vẫn cần phải kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Chiều 25/5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Đánh giá dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này có chất lượng tốt hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, các đại biểu Quốc hội cho rằng thay cho việc quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể, dự án đã quy định rõ trách nhiệm của thanh niên, trách nhiệm của các chủ thể liên quan, từ đó góp phần khẳng định được vị thế của thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên thực hiện các trách nhiệm của mình.
Nhiều đại biểu đã quan tâm thảo luận về quy định tại Điều 9 của dự án Luật về Tháng Thanh niên. Theo đó, nhiều ý kiến nhất trí với việc dành riêng một điều quy định về tháng cao điểm cho thanh niên. Song cũng có ý kiến băn khoăn về sự cần thiết có quy định riêng về việc này, bởi phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì cộng đồng, xã hội là quyền lợi, trách nhiệm thường xuyên của thanh niên.