Những năm qua công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp được tăng cường và đổi mới tương đối toàn diện. Cấp ủy, chính quyền các cấp, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, thể hiện rõ và nhất quán quan điểm công tác dân vận của Đảng, vì Nhân dân, chăm lo, nâng cao mọi mặt đời sống Nhân dân và mở rộng dân chủ, phát huy vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân; đặc biệt việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới” đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng, lãnh đạo.
Nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, tăng cường đổi mới, tạo sự chuyển biến từ nhận thức về công tác dân vận trong tình hình mới, kịp thời thể chế hóa tinh thần, nội dung về công tác dân vận trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục làm biến chuyển nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của công tác dân vận, về vị trí, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác dân vận, về chủ trương tăng cường và đổi mới công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới. Trung vào việc nâng cao nhận thức, ý thức của Nhân dân để thực hiện tốt các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp 2013 quy định.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động tuyên truyền giáo dục, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm công tác dân vận luôn theo kịp, gần gũi với Nhân dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Cần đặc biệt quan tâm tuyên truyền, phổ biến cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc, vùng tôn giáo, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Hoàn thiện thể chế theo hướng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
Tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, quyền công dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Hiến pháp 2013. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới quy trình xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tiếp tục thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” theo quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới thành các văn bản pháp luật để cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân thực hiện.
Trong xây dựng thể chế, chính sách cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải thuận lòng dân, luật pháp phải từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Hiến pháp 2013 và Quyết định số 217- QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật.
Tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp theo hướng hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần dân Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện tốt, đảm bảo yêu cầu và nội dung của Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tập trung giải quyết kịp thời một số bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là đời sống, việc làm; đền bù thu hồi đất đai; tai nạn giao thông; tệ nạn xã hội…
Quan tâm hơn nữa đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi thiên tai bão lụt; nơi nông dân còn thiếu đất sản xuất; công nhân, người lao động ở các doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tiếp dân, công khai đối thoại trực tiếp với dân; thực hiện cung cấp thông tin báo chí cho người dân theo đúng quy định. Tập trung giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, nhất là những vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân (trọng tâm là bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, lấy ý kiến của Nhân dân trước khi quyết định các chủ trương chính sách quan trọng) và quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
Tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính, công khai, minh bạch quy trình thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, tập trung đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp: đất đai, đầu tư, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh, cấp sổ đỏ, cấp phép xây dựng.
Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân
Nâng cao chất lượng và đổi mới phong cách mới phong cách của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác giáo dục ý thức, trách nhiệm công vụ đi đôi với những hình thức thưởng phạt nghiêm minh, đánh giá khách quan để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và thực hiện tốt văn hóa công sở, nâng cao đạo đức công vụ; xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và của từng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới phong cách làm việc, xây dựng tác phong làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, khắc phục bệnh thành tích, hành chính, quan liêu xa dân.
Đối với các cơ quan hành chính nhà nước có quan hệ trực tiếp với Nhân dân cần công khai các quy định về trách nhiệm, quy tắc ứng xử, thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, viên chức để Nhân dân biết và giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Nghiên cứu lồng ghép nội dung tiêu chí “Cán bộ, công chức, viên chức chính là những người làm công tác dân vận” thành một trong các tiêu chí để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Tăng cường công tác thanh tra công vụ để chấn chỉnh, xử lý những biểu hiện, hành vi sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức.
Tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu thực tiễn đặt ra, trong đó tập trung nghiện cứu xây dựng Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nghiên cứu, thể chế hóa Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị - xã hội giám sát và phản biện xã hội, tham góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các quy định hiện hành về chế độ tiếp dân; thực hiện tốt các chương trình đối thoại trực tiếp với Nhân dân và giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, bức xúc của Nhân dân, hạn chế để xảy ra bãi công, đình công, khiến kiện đông người. Nghiên cứu phát huy vai trò và củng cố hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Nghiên cứu đổi mới hình thức, tổ chức, sự phối hợp, liên kết sao cho hiệu quả, sát với yêu cầu thực tế, tránh hình thức, kém hiệu quả. Nội dung phối hợp nên tập trung nhiều vào việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia thực hiện và giám sát việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa bàn dân cư.
Cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước theo quy định của Hiến pháp 2013 và Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Phối hợp trên nguyên tắc phù hợp với đặc điểm riêng về tổ chức và phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và của từng tổ chức chính trị - xã hội, tránh hành chính hóa hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”
Phong trào “Dân vận khéo” phải là nhiệm vụ chính trị của tất cả các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trên mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đặc biệt là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và những lĩnh vực có nhiều khó khăn, liên quan nhiều đến đầu tư, nguyện vọng, quyền lợi của Nhân dân. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Thường xuyên theo dõi, định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” đi vào hoạt động nền nếp, biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt. Đồng thời, đưa tiêu chí đánh giá các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” thành những quy định chung trong công tác thi đua, khen thưởng của Nhà nước. Lồng ghép phát động phòng trào “Dân vận khéo” vào công tác phát động thi đua yêu nước hằng năm trong hệ thống chính trị. Tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sinh hoạt cơ quan, chi bộ.