Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với tỉnh Đồng Nai

Ngày 25/7, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường dẫn đầu, đã làm việc tại tỉnh Đồng Nai về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Chú thích ảnh
Đồng chí Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN phát

Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực như: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động chi thường xuyên; đầu tư, xây dựng cơ bản; trong các chương trình mục tiêu quốc gia; trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên... đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh tiết kiệm 10% số chi thường xuyên được hơn 2,5 ngàn tỷ đồng; tiết kiệm hơn 2,7 ngàn tỷ đồng từ cắt giảm, thu hồi kinh phí không giải ngân; hơn 1,6 ngàn tỷ đồng tiết kiệm từ cắt giảm chi cải cách tiền lương, an sinh xã hội.

Đáng chú ý trong giai đoạn 2016 - 2021, Sở Tài chính tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tiết kiệm, chống lãng phí trong nhiệm vụ chi ngân sách; quản lý chặt chẽ 100% chi tiêu ngân sách nhà nước, nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên. Đặc biệt, tỉnh đã tiết kiệm chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền, hạn chế tối đa chi phí tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước; phối hợp với Kho bạc Nhà nước, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu đã quy định.

Tỉnh Đồng Nai cũng hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm tăng chi ngân sách, trường hợp cần thiết phải ban hành yêu cầu phải đảm bảo cân đối được nguồn vốn thực hiện. 100% các sở, ngành, đơn vị thực hiện đưa các chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí vào quy chế chi tiêu nội bộ của mình. Tỉnh thực hiện tốt kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính đối với các sở, ban, ngành, cấp huyện, 2 thành phố Biên Hòa và Long Khánh trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích. Địa phương xử lý đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân và tập thể vi phạm theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, đại diện tỉnh Đồng Nai cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc. Đó là UBND tỉnh đã có báo cáo số 8662/UBND-THNC ngày 23/7/2021 về việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội gửi Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo xử lý hoặc kiến nghị, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và thống nhất, đồng bộ. Trong đó có nêu một số nội dung cụ thể như sau: xung đột, chồng chéo, chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, pháp luật về đấu thầu, xã hội hóa và Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai; khó khăn trong việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công; chồng chéo giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Hóa chất...

Thông báo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, tỉnh Đồng Nai đạt nhiều kết quả trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ được triển khai đã bám sát các quy định chính sách pháp luật, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác này.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà, Đồng Nai vẫn còn một số bất cập như báo cáo của tỉnh mới nêu việc ban hành các văn bản liên quan đến việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công hàng năm, kết quả công tác đấu thầu, mua sắm, tiết kiệm qua đấu thầu, chưa báo cáo việc giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công hằng năm, để thấy rõ kết quả tiết kiệm hay có lãng phí. Báo cáo cũng chưa bổ sung số liệu về số gói thầu đấu thầu qua mạng, tỷ lệ các gói thầu được thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN phát

Qua giám sát thực tế tại 3 dự án đầu tư công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, Dự án Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai (thuộc Ấp 2, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ); Dự án Khu đô thị sân golf thể thao và du lịch sinh thái Long Thành (330ha) và Dự án Khu đô thị sinh thái Long Thành (843ha) (thuộc phường Phước Tân và phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa); Dự án Khu công nghiệp Amata Long Thành (thuộc xã Tam An và xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho thấy các dự án mặc dù đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa phát huy được đầy đủ hiệu quả. Lý do có những sai phạm trong quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chưa được khắc phục triệt để...

Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn giám sát đã chỉ ra một số vấn đề hạn chế cần khắc phục như: Còn một số nội dung, thông tin, số liệu báo cáo chưa bám sát và chưa đầy đủ theo yêu cầu của Đoàn giám sát, một số thông tin chưa bảo đảm tính chính xác. Một số nhận định, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung, chưa rõ ràng. Các thành viên đề nghị tỉnh Đồng Nai tổng hợp tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán đã được thực hiện, tổng số các nội dung các cơ quan kiến nghị xử lý, tổng số các nội dung đã xử lý và đang xử lý; đồng thời, đề nghị tỉnh căn cứ các quy định có liên quan để thực hiện, nhất là làm rõ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Kết luận buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của Tổ giúp việc, Tổ công tác và UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ tài liệu. Đoàn cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả làm việc bước đầu về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh, của Tổ công tác.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị căn cứ các ý kiến tại cuộc họp, Tổ công tác tiếp tục hoàn thiện báo cáo để báo cáo Đoàn giám sát. Đoàn sẽ nghiên cứu, làm việc với các cơ quan và tổng hợp các nội dung báo cáo của địa phương, xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Những kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em
Những kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 27/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ ngày 1/1/2015-30/6/2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN