Tham dự cuộc làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều; đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2023, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức song với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Năm 2023, tỉnh Bạc Liêu tăng trưởng kinh tế đạt khá, đứng thứ 5/13 các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 24/63 cả nước. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển khá; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 9,13% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại và dịch vụ nội địa trên địa bàn tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường năm 2023 ước tăng 20% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hóa năm 2023 có chuyển biến, sản lượng và giá trị xuất khẩu đều tăng so cùng kỳ, chủ yếu vẫn tập trung vào mặt hàng thủy sản. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn. Ước đến cuối năm 2023 giải ngân đạt 95% kế hoạch.
Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, tình hình kinh tế - xã hội trong năm phát triển tốt hơn so với cùng kỳ năm 2022. Trà Vinh thực hiện đạt và vượt 23/23 chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân tỉnh. Tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, phát triển doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp tăng khá. Các hoạt động khuyến công, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch được thực hiện bảo đảm theo tiến độ, kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh; công tác nắm tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp, tiến độ triển khai dự án của nhà đầu tư được quan tâm sâu sát…
Tăng trưởng GRDP năm 2023 tỉnh Trà Vinh ước đạt 8,25% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết). Công tác giải ngân vốn đầu được quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân tạo động lực cho tăng trưởng. Hầu hết doanh thu các ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như bán lẻ hàng hóa tăng 15,46%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 12,65%, dịch vụ lữ hành tăng 64,87%, dịch vụ khác tăng 15,85%... GRDP bình quân đầu người ước đạt 81,75 triệu đồng/người, đạt 107,6% Nghị quyết (tương đương vượt 5,79 triệu đồng)… Công tác giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Tỉnh thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, thăm viếng người có công, người có uy tín; du lịch phát triển khá, tăng cao so với cùng kỳ.
Ông Phạm Ngọc Huệ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 (GRDP) của tỉnh Sóc Trăng ước đạt 5,77% (xếp thứ 7 so các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 39 trong các tỉnh, thành phố trong cả nước - xếp cùng hạng với tỉnh Long An với mức tăng trưởng 5,77%); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,39%, khu vực dịch vụ tăng 8,76%...
Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương liên quan đến các văn bản hướng dẫn xử lý vướng mắc việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xem xét cơ chế, chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, liên kết, tiêu thụ nông sản…
Lãnh đạo các tỉnh cũng kiến nghị đến các bộ, ngành, Trung ương về việc cụ thể hóa các chủ trương, quy định để địa phương dễ dàng trong việc thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và biểu dương các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng giữ vững ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản, giải ngân vốn… có kết quả khả quan. Bên cạnh đó, các địa phương vẫn còn khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan đến biến đổi khí hậu, sạt lở, quy hoạch, kinh phí… Đây không chỉ là khó khăn riêng của 3 tỉnh mà là khó khăn chung của cả Đồng bằng sông Cửu Long…
Đoàn công tác cũng đã ghi nhận, tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của các địa phương để báo cáo các cấp có thẩm quyền.