Gửi lời chúc mừng năm mới đến đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh An Giang, ông Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành, tổ chức thực hiện đã thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, làm thay đổi diện mạo của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành nơi dẫn đầu của cả nước về thủy sản, lúa gạo và trái cây.
Thời gian tới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị tỉnh An Giang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc và tôn giáo. Trong đó, tỉnh quan tâm, dành nguồn lực, thăm hỏi, hỗ trợ giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống; chăm lo Tết cho đồng bào dân tộc Khmer, các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn được hưởng mùa xuân đầm ấm, an lành và hạnh phúc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, quý I/2024 kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng khá tốt. Tốc độ GRDP tăng 5,39% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Cuối năm 2023, số hộ nghèo của tỉnh chiếm 2,06% tổng số hộ; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 8,68% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Riêng số hộ cận nghèo chiếm 3,61% tổng số hộ; số hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 1.789 hộ, chiếm 6,6% tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Phú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, toàn tỉnh An Giang có 16 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 7 xã khu vực 3 (thuộc huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên); 9 xã khu vực 1 ở các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu và Thoại Sơn. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách đối với người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo lễ hội, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số…
Tỉnh An Giang được giao vốn thực hiện 9 dự án và 12 tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. UBND tỉnh An Giang đã giao 9 đơn vị sở, ngành và 5 huyện, thị được giao vốn làm chủ đầu tư giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn gần 375 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã bố trí vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án trên 277 tỷ đồng, đạt gần 74%. Đến ngày 31/3/2024, tỉnh An Giang giải ngân được trên 90,1 tỷ đồng, đạt 32,5%.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đến thăm, chúc mừng năm mới các vị chức sắc, chư tăng, thượng tọa, sư sãi tại Chùa Soài So Tôm Nớp (huyện Tri Tôn) nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024.
Thay mặt đoàn công tác, ông Y Thanh Hà Niê K’đăm mong muốn các vị sư sãi dân tộc Khmer tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch; đồng thời mong sư sãi quan tâm vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.
An Giang là tỉnh biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh). Trong đó, dân tộc Khmer chiếm 3,98%, dân tộc Chăm chiếm 0,59%, dân tộc Hoa chiếm 0,27% và phần còn lại là dân tộc thiểu số khác.