Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Thái Phong, Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên cho biết: Từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2018, qua hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đã phát hiện các hành vi tham nhũng, tham ô tài sản; đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can liên quan đến vụ án tham ô tài sản tại Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên; khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can liên quan đến vụ tham ô tài sản tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên.
Trong 58 cuộc thanh tra, đã kết luận, phát hiện 242 cơ quan, đơn vị có sai phạm về kinh tế với số tiền sai phạm hơn 44,2 tỷ đồng và 132,2 ha đất. Qua đó đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước gần 19,2 tỷ đồng; xử lý kỷ luật về mặt Đảng 4 cá nhân và đang xem xét xử lý 2 cá nhân; xử lý về mặt chính quyền 5 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 2 vụ.
Mặc dù đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng, nhưng công tác này còn có những hạn chế, như: Chưa phát hiện được các trường hợp “tham nhũng vặt”; việc thực hiện giám định các vụ án có liên quan đến tham nhũng và sai phạm kinh tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, quản lý đất đai thường chậm và kéo dài; việc áp dụng các biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả…
Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, Tỉnh ủy Phú Yên kiến nghị Bộ Chính trị ban hành quy định thống nhất thực hiện trên phạm vi cả nước về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm; Chính phủ cần có quy định về công khai bản kê khai tài sản tại nơi cư trú để nhân dân tham gia giám sát; có hướng dẫn việc thu hồi và quản lý tài sản vi phạm.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nêu rõ: So với nhiều địa phương khác, tỉnh Phú Yên đã có sự tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Để làm tốt hơn vấn đề này, Tỉnh ủy Phú Yên cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ liên quan đến công tác giải quyết đơn thư tố cáo; thanh tra, kiểm tra.
Nếu phát hiện có sai phạm phải tiến hành nhanh các khâu truy tố, điều tra, xét xử đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật. Ngay sau khi có kết quả cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Từ Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) về vấn đề nêu gương, Tỉnh ủy Phú Yên cần cụ thể nội dung đối với địa phương; coi đây là nội dung quan trọng, là chìa khóa để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Nghị quyết này như một cam kết chính trị với toàn Đảng, toàn dân là chúng ta thành tâm phòng, chống tham nhũng.
Nhân dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã ký quy chế phối hợp trong công tác hỗ trợ thông tin, hồ sơ, tài liệu chứng cứ và tham gia tố tụng trong giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đánh giá, đây là cách làm hay của tỉnh Phú Yên mà các địa phương khác nên học tập. Nếu phối hợp làm tốt công tác trao đổi thông tin thì các vụ án dân sự sẽ giải quyết nhanh chóng và chính xác hơn. Tòa án có nhiều căn cứ đảm bảo sự công bằng cho cả hai bên khi vụ án được đưa ra xét xử.