Điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành trọn ngày 21/6 để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bắt đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, 170 đại biểu đã đăng ký phát biểu. Điều này cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đối với nội dung này. Dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống và quyền lợi của mọi người dân cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, các cơ quan, tổ chức, chất lượng được nâng lên nhiều so với dự thảo Luật được trình tại Kỳ họp thứ 4.

Nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất là một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý và đề xuất nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (Nghị quyết 18) là hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính đất đai, nghiên cứu, có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

Theo đó, chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao. Đất nông nghiệp được mua gom, đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, đất ở, đất thương mại, dịch vụ có giá cao gấp chục lần so với đất nông nghiệp.

“Vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội”, đại biểu Trần Văn Khải đưa ra ý kiến và đề xuất Luật Đất đai (sửa đổi) phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát; đồng thời xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất, bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất, đại biểu cho rằng: “Quy định trong dự thảo Luật chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong thực tế. Cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ. Giá đất thời điểm 2023 khác với thời điểm 2024, xác định thế nào để không bị thất thoát là rất khó. Mặt khác, làm sao việc xác định giá đất phải hài hòa được lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nếu theo phương án an toàn, tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ quá lớn, khó thu hút nhà đầu tư để thực hiện các dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”.

Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18.

Góp ý về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, đây là vấn đề được người dân quan tâm, trong đó có thực trạng quy hoạch đã được lập, phê duyệt, nhưng trên thực tế việc tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung của quy hoạch. Việc thực hiện chậm này không chỉ là 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn. Người dân vẫn thường gọi trường hợp này là "quy hoạch treo".

Đại biểu nhấn mạnh, "quy hoạch treo" không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, mà còn gây khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống người dân. Những cư dân trong khu vực quy hoạch treo sống trong cảnh thấp thỏm, khổ sở, "đi không được mà ở cũng không xong". Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai cần có quy định rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ tầm nhìn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại Điều 62 dự thảo Luật, bởi tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, dự báo, mà dự báo có thể chính xác, có thể không chính xác. Như vậy, đây có thể là một tác nhân của quy hoạch treo. Người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai cụ thể là bao lâu và quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch. Việc bỏ tầm nhìn quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch, cần chỉnh lý, bổ sung thêm tại Khoản 3 Điều 76 dự thảo Luật theo hướng: Khi quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng, thực hiện các quyền sử dụng đất quy định tại Điều 38 của Luật này và pháp luật liên quan.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quan tâm đến quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) đề nghị: “Cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa, đất trồng rừng và xác định cụ thể đến từng địa phương, tới cấp xã”.

Theo đại biểu, Nghị quyết 18 nêu rõ, phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

“Tuy nhiên, tiêu chí chuyển mục đích trong dự thảo Luật mới chỉ mang tính hình thức mà chưa có tiêu chí về nội dung”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh nói; đồng thời đề nghị quy định rõ việc điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm đếm, lượng hóa, hạch toán đầy đủ hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong nền kinh tế và “cần tóm gọn trong 1 chương về vấn đề này”.

Bên cạnh đó, cần quy định ngay trong luật các tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương thực thi thống nhất trong phạm vi cả nước; đồng thời xem xét việc phân cấp, phân quyền có kiểm soát để tránh cục bộ, nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, suy giảm đa dạng sinh học…

Dự kiến, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo quy trình 3 kỳ họp.

TTXVN/Báo Tin tức
Bảo đảm chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Bảo đảm chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 21/6, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung cho ý kiến là chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN