Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bầu cử tại những địa phương có dịch COVID-19 bùng phát như: Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên để kịp thời nắm bắt tình hình, cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuẩn bị cho công tác bầu cử.
Trả lời phỏng vấn của TTXVN, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, đến thời điểm hiện nay, mặc dù tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhưng mọi công việc chuẩn bị của Trung ương và các địa phương đã hoàn tất để bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 23/5/2021 thành công tốt đẹp, trở thành ngày hội của toàn dân.
Nắm chắc di biến động của cử tri
Qua kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương, Bộ trưởng nhận thấy vấn đề lớn nhất cần phải lưu ý trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử là gì?
Qua đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại một số địa phương, điều đáng ghi nhận đó là các địa phương đã có sự chuẩn bị rất tốt các công việc liên quan đến cuộc bầu cử, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ thời gian. Đến nay, các điều kiện vật chất, phương tiện, nhân lực, nguồn lực phục vụ cho cuộc bầu cử cơ bản đã được bảo đảm.
Về vấn đề cần lưu ý, trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử, các địa phương cần tiếp tục chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đề phòng, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với thiên tai, bão lũ, các tình huống dịch bệnh bùng phát trong quá trình triển khai các hoạt động bầu cử. Chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương rất kỹ lưỡng, từng bước, từng việc trong bối cảnh cụ thể như giãn cách xã hội thế nào, cách ly thế nào… Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chỉ đạo rất sát, từng việc.
Song, điều khiến tôi lo ngại nhất là tác động từ dịch COVID-19. Ở những địa bàn đang có dịch, sự biến động của cử tri liên tục thay đổi do cử tri phải đi cách ly, công nhân ở các khu công nghiệp được nghỉ việc, sinh viên các trường đại học, cao đẳng được nghỉ học về quê; sự thay đổi liên tục các thành viên tổ bầu cử (trường hợp bị nghi nhiễm SARS-CoV-2…), trong khi đó, việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên mới bổ sung gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Điều này sẽ tác động, ảnh hưởng đến nhiệm vụ của Tổ bầu cử trong ngày bầu cử.
Mặt khác, nếu địa phương không chuẩn bị kỹ phương án cho ngày bầu cử, sẽ có khoảng thời gian cử tri tập trung đông tại Phòng bỏ phiếu. Do đó, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 tại các điểm bỏ phiếu cũng là vấn đề mà các địa phương có dịch phải chủ động xây dựng kịch bản, phương án rất kỹ lưỡng, cụ thể.
Để tiếp tục đồng hành cùng với các địa phương có dịch tổ chức tốt cuộc bầu cử, ngay trong ngày bầu cử 23/5/2021, Bộ Nội vụ sẽ cử các đoàn đi kiểm tra tại các điểm bỏ phiếu, nơi cử tri thực hiện quyền bầu cử. Quan điểm của Bộ là đi thẳng vào vùng dịch để kiểm tra cuộc bầu cử, có như vậy mới sát được và rút kinh nghiệm kịp thời, có phương án xử lý các tình huống xảy ra.
Làm thế nào nắm bắt được di biến động của cử tri để bảo đảm quyền và lợi ích của họ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nhiều sinh viên, người lao động ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác đã và đang trở về các địa phương? Việc giám sát họ trở về cần thực hiện như thế nào, nhất là những người về từ các vùng dịch, thưa Bộ trưởng?
Bộ Nội vụ đã tổng hợp số lượng cử tri trong cả nước. Kỳ bầu cử này, cả nước có 69.198.594 cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện tạm dừng một số hoạt động, loại hình dịch vụ không thiết yếu. Nhiều trường đại học, cao đẳng đã chuyển sang học tập theo hình thức trực tuyến, dẫn đến có không ít người lao động và sinh viên, học viên đã rời các thành phố lớn để trở về quê. Điều này dẫn đến những biến động nhất định trong danh sách cử tri đã được niêm yết, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát thẻ cử tri và việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này, hiện nay các địa phương đang rà soát, cập nhật từng ngày, từng giờ di biến động của cử tri; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa những địa phương nơi mà cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu với những địa phương nơi mà cử tri trở về quê hoặc phải đi cách ly tập trung… Vì vậy, chính quyền địa phương cơ sở phải nắm bắt sát tình hình di biến động của các cử tri để trao đổi, thống nhất với cử tri trong việc gạch tên khỏi danh sách cử tri nơi đã đăng ký tham gia bỏ phiếu trước đây và bổ sung kịp thời vào danh sách cử tri nơi mới đến.
Có một vấn đề phát sinh từ di biến động cử tri hiện nay mà chúng ta cần giải quyết, đó là số lượng cử tri ở các đơn vị bầu cử giảm, không bảo đảm đủ số cử tri đi bầu cử, nhất là khi các trường đại học đã cho sinh viên nghỉ học hoàn toàn. Các địa phương phải lường trước vấn đề này. Mới đây, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có hướng dẫn ghép các khu vực bỏ phiếu. Chẳng hạn, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện chỉ còn cán bộ, giáo viên thì có thể ghép với khu vực bỏ phiếu dân cư ở đó và xóa tên trong danh sách cử tri đối với các sinh viên đã trở về quê.
Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục bằng việc nhắn tin, thông báo qua zalo… để địa bàn vùng đó chỉ đạo luôn, đừng cứng nhắc quá. Các trường đại học cần chủ động thông tin cho sinh viên, để sinh viên trở về địa phương được thực hiện quyền bầu cử. Lúc này máy móc quá sẽ rất khó, vì đây là tình huống phát sinh.
Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các Tổ bầu cử phối hợp chặt chẽ với cán bộ ở thôn, tổ dân phố khẩn trương rà soát danh sách cử tri trong quá trình phát thẻ cho cử tri trên địa bàn, trong đó lưu ý các trường hợp có yêu cầu đặc biệt, như cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật hoặc cử tri thuộc diện cách ly để phòng, chống dịch bệnh.
Các tổ chức phụ trách bầu cử cần có biện pháp chỉ đạo, theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình biến động của cử tri trong danh sách cử tri trên địa bàn để có phương án chuẩn bị số lượng phù hợp các hòm phiếu phụ, thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu trong ngày bầu cử, để bảo đảm tất cả cử tri đều thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.
4 kịch bản bầu cử
Bộ trưởng cho biết các kịch bản trước, trong và sau ngày bầu cử đối với trường hợp bầu cử trong điều kiện phòng, chống dịch? Những đô thị lớn có rất nhiều khu chung cư, trong trường hợp phải cách ly cả tòa nhà hay việc bầu cử tại các cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện được thực hiện thế nào?
Để hướng dẫn kịp thời công tác bầu cử trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Nội vụ đã ban hành Văn bản số 2135/BNV-CQĐP ngày 13/5/2021 hướng dẫn cụ thể về công tác chuẩn bị, quy trình thực hiện tổ chức bầu cử tại khu vực bỏ phiếu tập trung (bảo đảm quy trình về phòng, chống dịch); tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly y tế tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội tại địa bàn bị phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho cử tri là bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc COVID-19.
Đồng thời, để tránh sự lây lan dịch bệnh, văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ đã yêu cầu UBND cấp xã chỉ đạo tổ dân phố, tổ bầu cử phân bổ thời gian bỏ phiếu phù hợp, bảo đảm không tập trung cử tri quá đông vào cùng một thời điểm. Để có cơ sở truy vết trong trường hợp có cử tri là F0, F1 đi bỏ phiếu, Bộ Y tế đã có hướng dẫn thành viên tổ bầu cử phải ghi rõ thời gian (giờ, phút) của cử tri đến phòng bỏ phiếu.
Hiện có khoảng 110 nghìn người đang cách ly y tế tại 27 địa phương, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế đã hướng dẫn 4 kịch bản bầu cử đối với những khu vực này. Vấn đề quan trọng là các địa phương quyết định phương án tổ chức bầu như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, tình hình thực tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch bệnh, vừa phục vụ an toàn cho công tác bầu cử, để cuộc bầu cử được diễn ra thuận lợi, thông suốt, tiết kiệm và đúng luật.
Bộ Nội vụ có lưu ý gì đối với thành viên tổ bầu cử? Trường hợp tổ chức bầu cử có nhiều thành viên mắc COVID 19 hoặc F1, F2 phải xử trí như thế nào?
Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, vì vậy trong những ngày trước, trong và sau cuộc bầu cử, đề nghị các thành viên Tổ bầu cử phải vừa tập trung cao độ cho các công việc phục vụ cuộc bầu cử, đồng thời luôn bảo đảm thực hiện phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch bệnh COVID-19, chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống dịch bệnh COVID-19 trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử.
Đối với trường hợp tổ chức bầu cử có nhiều thành viên có tiếp xúc gần với người mắc COVID 19 hoặc F1, F2 phải cách ly thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có văn bản hướng dẫn về nội dung này. Theo đó, các địa phương chủ động bổ sung, thay thế các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là các thành viên tổ bầu cử. Đối với những khu vực cách ly tập trung, nơi thực hiện cách ly xã hội tại địa bàn bị phong tỏa; các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho cử tri là bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc COVID-19 nếu có đông cử tri thì có thể thành lập thêm khu vực bỏ phiếu tại những nơi này, các thành viên tổ bầu cử phải có sự tham gia của nhân viên y tế đang làm việc tại các sơ sở này. Các địa phương phải kịp thời tập huấn nghiệp vụ bầu cử đối với thành viên mới được bổ sung.
Khắc phục tình trạng bầu thay, bầu hộ
Ngày bầu cử 23/5/2021 đang đến gần, Bộ trưởng có lưu ý gì trong khâu tổ chức để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thành công, không xảy ra việc vi phạm, tránh phải tổ chức bầu lại?
Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là làm sao để niêm yết đầy đủ danh sách cử tri và nơi bỏ phiếu, tất cả các cử tri đều nhận được thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử của mình, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tình trạng di biến động của cử tri diễn ra từng ngày, từng giờ. Đồng thời, phải làm sao đảm bảo công tác bầu cử diễn ra an toàn, không để lây lan dịch bệnh tại các điểm bầu cử.
Để đảm bảo ngày bầu cử diễn ra an toàn, thuận lợi, đúng pháp luật, tôi đề nghị các địa phương từ nay đến ngày bầu cử, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát lại tất cả các công việc liên quan đến bầu cử; tăng cường công tác truyền thông để cử tri hăng hái tham gia bỏ phiếu; chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự; có phương án, kịch bản chi tiết bầu cử trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phù hợp với tình hình, diễn biến thực tế ở địa phương.
Thưa Bộ trưởng, việc kiểm phiếu được tiến hành như thế nào để đảm bảo khách quan, chính xác? Những ai được chứng kiến việc kiểm phiếu? Làm sao để tránh tình trạng bầu thay? Có cách nào kiểm soát tình trạng này và nếu phát hiện ra thì xử lý như thế nào?
Theo quy định của pháp luật thì việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi hết giờ bỏ phiếu (7 giờ tối ngày 23/5/2021, trường hợp Tổ bầu cử kéo dài thời gian bỏ phiếu thì kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày). Đối với các trường hợp thực hiện cuộc bầu cử tại các khu vực cách ly tập trung, cơ sở y tế, bệnh viện thì để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về việc có thể tiến hành kiểm phiếu ngay tại cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế, bệnh viện mà không phải đưa hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu.
Điểm mới trong đợt bầu cử lần này là trường hợp số cử tri trong danh sách đi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu đạt 100% trước giờ quy định thì Tổ bầu cử không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và không được kiểm phiếu trước thời điểm 7 giờ tối ngày 23/5/2021. Việc này để đảm bảo tính khách quan trong công tác kiểm phiếu cũng như khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong việc hoàn thành bỏ phiếu sớm mà dẫn đến vi phạm pháp luật về bầu cử. Việc kiểm phiếu phải bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người chứng kiến theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Ngoài ra, để tránh tình trạng đi bầu hộ, bầu thay, Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ đã quy định rất cụ thể. Theo đó, cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri phải xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu. Trường hợp cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình đi bỏ phiếu. Trường hợp người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu. Các thành viên tổ bầu cử đã được tập huấn kỹ nội dung này nên sẽ khắc phục được tình trạng đi bầu thay, bầu hộ.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!