Góp ý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Đề xuất mở rộng đối tượng áp dụng luật căn cước với người không quốc tịch ở Việt Nam

Hiện nay, vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau về tên của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Để rộng đường dư luận, Báo Tin tức xin giới thiệu bài viết Góp ý Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), của Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội (tựa đề do báo Tin tức đặt).

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội

Thứ nhất, chúng tôi cho rằng việc đổi tên thành “Luật Căn cước” (thay cho Luật Căn cước công dân) và sử dụng Thẻ căn cước (thay cho Thẻ căn cước công dân) có sự phù hợp vì:

Việc sử dụng thuật ngữ “thẻ căn cước” (cùng với đó là đổi tên Luật thành Luật Căn cước) là phù hợp với tính chất của loại giấy tờ này cũng như phù hợp với thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Căn cước là thuật ngữ gắn liền với gốc tích, quan hệ thân tộc, đặc điểm nhận dạng, đủ để phân biệt từng cá nhân trong xã hội. Có nhiều tên gọi khác nhau đối với loại giấy tờ này như Thẻ căn cước, Chứng minh nhân dân, Giấy căn cước, thẻ nhận dạng cá nhân…, được Nhà nước cấp cho mỗi cá nhân sử dụng vào mục đích nhận dạng, chứng minh danh tính của mỗi cá nhân và các mục đích sử dụng giao dịch, đi lại khác, tùy theo hệ thống quản lý của mỗi quốc gia. Thẻ căn cước có mục đích chính là giúp xác định đặc điểm và nhận dạng nhân thân của một con người cụ thể. Ngoài ra, nó còn có thể được ứng dụng vào các mục đích khác nhau: tạo điều kiện cho việc đi lại, giao dịch của cá nhân; tạo điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước về dân cư, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ điều tra và góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm… Trên thế giới, đối với những quốc gia có sử dụng loại giấy tờ này[1] thì tên gọi phổ biến là “thẻ căn cước” (Identicy Card).

Việc đổi tên thành Luật Căn cước đi liền với mở rộng đối tượng áp dụng là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (người gốc Việt Nam) để cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho đối tượng này. Điều này phù hợp với mục đích quản lý nhà nước, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời thể hiện chính sách ưu việt của Nhà nước Việt Nam đối với bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Sự khác nhau giữa công dân (người có quốc tịch Việt Nam) và người gốc Việt Nam, theo chúng tôi, không nằm ở tấm thẻ căn cước, mà là các quyền và nghĩa vụ cụ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật khác nhau, được pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.

“Thẻ căn cước” đã từng được sử dụng ở Việt Nam trong một số thời kỳ trước đây. Do đó, tên gọi này không hoàn toàn xa lạ đối với nhiều người dân. Thời Pháp thuộc gọi là thẻ căn cước, giấy thông hành hoặc giấy chứng minh trong phạm vi toàn Đông Dương. Đến năm 1946, theo Sắc lệnh số 175-b ngày 6/9/1946 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thẻ công dân được sử dụng thay cho thẻ căn cước. Thẻ công dân chứng nhận về nhân thân và những đặc điểm riêng của mỗi công dân, bao gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ, nguyên quán, trú quán, chức nghiệp... do Ủy ban hành chính xã, thị xã hoặc thành phố, nơi nguyên quán hoặc trú quán của công dân cấp cho công dân Việt Nam tuổi từ 18 trở lên. Từ năm 1957, thẻ công dân được thay bằng giấy chứng minh với tên gọi “chứng minh nhân dân”.

Việc đổi tên thẻ thành thẻ căn cước cũng để bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN).

Thứ hai, chúng tôi cho rằng, việc mở rộng, bổ sung thêm thông tin lưu trữ trên thẻ căn cước là cần thiết để tăng cường chia sẻ, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, từ đó phát huy hiệu quả sử dụng, nâng cao hiệu lực quản lý các cơ sở dữ liệu. giảm bớt thủ tục giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể thông tin nào bắt buộc, thông tin nào không bắt buộc đưa vào dữ liệu này, đối tượng nào phải cung cấp những loại thông tin nào; đồng thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng thật tốt để bảo vệ dữ liệu, tránh để lộ thông tin bí mật đời tư của cá nhân, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, pháp luật dân sự và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

Ngoài ra, theo chúng tôi, nếu dự luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, thì một trong những công việc cần phải thực hiện ngay, thực hiện có hiệu quả là công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân. Trong một thời gian ngắn chúng ta đã có vài lần đổi loại giấy tờ này (từ CMND sang CCCD, từ CCCD chưa gắn chip đến gắn chip và (có thể) từ CCCD sang thẻ CC), việc thay đổi liên tục này khiến các địa phương mất khá nhiều công sức để bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu, cũng như tạo dư luận xã hội không tốt về công tác xây dựng pháp luật và quản lý. Tất nhiên, chúng tôi cho rằng, đây là việc không quá khó khăn, và thực tiễn cũng đã chứng minh người dân Việt Nam rất đồng thuận, ủng hộ các chính sách hợp lý từ phía Nhà nước.

 

[1]Một số quốc gia không ủng hộ việc chính quyền cấp thẻ căn cước cho công dân (Úc, Canada, Đan Mạch, Mỹ…). Ở các quốc gia này, Chính phủ không cấp thẻ căn cước công dân, mà chấp nhận các giấy tờ cá nhân khác như bằng lái xe, hộ chiếu để công dân chứng minh bản thân.

Chu Mạnh Hùng
Làm rõ thêm việc đổi tên 'thẻ căn cước công dân' thành 'thẻ căn cước'
Làm rõ thêm việc đổi tên 'thẻ căn cước công dân' thành 'thẻ căn cước'

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN