biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, Bộ Công an cho biết, Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.
Bộ Công an đã chỉ đạo cấp gần 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối với 13 bộ, ngành và 63 địa phương. Bộ cũng đã thử nghiệm thành công dịch vụ xác thực thông tin công dân tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân thông qua trục tích hợp quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc làm này đảm bảo được yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước công dân, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ và hỗ trợ đắc lực trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự.
Sau 8 năm triển khai thực hiện, Luật Căn cước công dân năm 2014 đã bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với quá trình chuyển đổi số theo Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử để đáp ứng yêu cầu trong quản lý nhà nước về căn cước trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Đây là phương tiện quan trọng để cụ thể hóa chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng về đảm bảo quyền con người, quyền công dân nói chung, quyền tự do đi lại, giao dịch của công dân nói riêng cũng như chủ trương phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tình hình mới.
Các báo cáo tham luận tại hội thảo đã tập trung thảo luận về tình hình triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực tế việc thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ (chia sẻ thông tin, dữ liệu cho Chính phủ và bộ, ngành, địa phương) và khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; kết quả công tác cấp, quản lý căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, những khó khăn, vướng mắc, bất cập và kiến nghị, đề xuất; các chính sách mới của dự án Luật Căn cước… Qua đó, góp phần hoàn thiện lý luận pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ góc độ pháp lý trong công tác cấp, quản lý căn cước, thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, ứng dụng căn cước điện tử để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Ý kiến của các đại biểu cũng là cơ sở quan trọng để Cục Pháp chế và cải cách hành chính nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Căn cước bảo đảm đúng tiến độ và đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, đặc biệt là yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đây cũng là cơ sở khoa học quan trọng để Cục Pháp chế và cải cách hành chính tham mưu lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội để tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước cho phù hợp, bảo đảm hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tới.