Tại tổ thảo luận số 6, Diễn đàn số 3 với chủ đề “Tổ chức Đoàn - Người bạn đồng hành với Thanh niên”, các đại biểu tham gia góp ý kiến, đề xuất giải pháp về 3 chương trình: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những hạn chế trong việc triển khai các chương trình; đồng thời bày tỏ mong muốn, kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tổ chức Đoàn đồng hành, hỗ trợ thanh niên hiệu quả.
Chia sẻ tại Diễn đàn, đại biểu Trần Kim Phẳng, Phó Trưởng ban Phong trào Tỉnh Đoàn Bến Tre đặt vấn đề, theo số liệu thống kê, từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã đưa hàng triệu lao động đi xuất khẩu lao động và mỗi năm lực lượng này gửi về nước khoảng 10 tỷ USD. Điều đó cho thấy, xuất khẩu lao động giúp thanh niên có thu nhập cao, thoát được nghèo và quan trọng hơn là học hỏi được nhiều kỹ năng, ý thức kỷ luật và nâng cao tay nghề so với làm việc trong nước. Tuy nhiên hiện nay, tại nhiều địa phương, vấn đề xuất khẩu lao động là việc của ngành lao động, thương binh và xã hội, tổ chức Đoàn có rất ít cơ hội để hoạt động, đồng hành hỗ trợ thanh niên.
Anh Trần Kim Phẳng cho rằng, tổ chức Đoàn nên coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và là giải pháp để nâng cao trình độ, tay nghề cho thanh niên. Đại biểu đề xuất, tổ chức Đoàn có thể tham gia tuyên tuyền giúp thanh niên hiểu rõ lợi ích của việc xuất khẩu lao động theo thời hạn, để tham gia xuất khẩu lao động nhiều hơn. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII có đặt chỉ tiêu hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, trong đó nên đặt rõ chỉ tiêu giới thiệu 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động, mang ngoại tệ về cho đất nước.
Để hỗ trợ thực chất, hiệu quả cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đại biểu Nguyễn Trần Duy Anh, Bí thư Thành đoàn Sóc Trăng kiến nghị, tổ chức Đoàn tích cực tham mưu với UBND, các ngành chức năng trong việc giới thiệu các sản phẩm của thanh niên, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền đạt chứng nhận OCOP vào các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để đưa được sản phẩm đi nhiều nơi.
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình sản xuất của thanh niên, tổ chức Đoàn nên đề xuất triển khai “Túi quà thanh niên”, trong đó sử dụng sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình thanh niên yếu thế, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn… để vừa làm công tác an sinh xã hội, vừa hỗ trợ thanh niên lập nghiệp.
Chủ trì Diễn đàn, anh Trần Hữu, Trưởng ban Thanh niên công nhân và đô thị cho biết, nguồn vốn cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp hiện nay chủ yếu vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức tối đa 100 triệu đồng/mô hình. Mức hỗ trợ này chưa thể đáp ứng được nhu cầu của thanh niên.
Hiện nay, Trung ương Đoàn đang quản lý một số quỹ cho vay nhưng nguồn vốn vay cũng không được nhiều. Thời gian qua, tại nhiều địa phương, các tỉnh, thành Đoàn có rất nhiều phương pháp, cách làm sáng tạo để tìm kiếm, huy động nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp. Điển hình như Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã tham mưu cho tỉnh lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đến nay không cần vay vốn trung ương.
Từ thực tế đó, anh Trần Hữu cho rằng, kinh nghiệm là các tỉnh, thành Đoàn phải nắm chắc khó khăn cụ thể của thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương và tích cực, chủ động, đeo bám trong tham mưu với lãnh đạo tỉnh bố trí vốn, tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp.