Thảo luận tại Diễn đàn, các đại biểu thống nhất cho rằng: Hội nhập quốc tế đã, đang là một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Quá trình hội nhập tạo ra nhiều cơ hội cho thanh niên trong việc tiếp cận thông tin, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại trên thế giới.
Tuy nhiên, trong quá trình đó, thanh niên cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi thanh niên phải được trang bị đầy đủ thể chất, bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng hội nhập. Đó cũng chính là nhiệm vụ mà tổ chức Đoàn cần triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong nhiệm kỳ qua, Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn đã chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức về hội nhập như: Tổ chức các diễn đàn, hội thảo tuyên truyền cho thanh niên về cộng đồng ASEAN và các thể chế Việt Nam tham gia làm thành viên; thành lập, củng cố các câu lạc bộ tin học, ngoại ngữ, giúp thanh niên có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng, kiến thức, nâng cao trình độ.
Các hoạt động giao lưu quốc tế giữa thanh niên Việt Nam với thanh niên các nước được Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn quan tâm tổ chức thường xuyên, góp phần giới thiệu, quảng bá về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam tham gia các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với thanh niên các nước.
Thời gian qua, Trung ương Đoàn cũng tăng cường các hoạt động hướng đến thanh niên Việt Nam ở nước ngoài. Việc trao đổi thông tin, định hướng hoạt động cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài được duy trì thường xuyên thông qua các hình thức như giao lưu trực tuyến, tổ chức các đoàn đi gặp gỡ thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, tuyên truyền hoạt động của thanh niên trong nước ra ngoài nước, mời đại diện thanh niên ngoài nước về tham dự những sự kiện chính trị quan trọng...
Những hoạt động đó đã góp phần cổ vũ, động viên thanh niên ngoài nước tích cực tham gia xây dựng cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức các hoạt động hướng về Tổ quốc; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được các tổ chức Đoàn, Hội ngoài nước tích cực hưởng ứng, đặc biệt là các hoạt động trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Chia sẻ tại Diễn đàn, chị Đoàn Thị Kiều Hương, Bí thư Đoàn Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, hội nhập quốc tế là một trong những thế mạnh của VietinBank với 3 chi nhánh ở nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại đơn vị cũng đang gặp vướng mắc về việc thành lập tổ chức đoàn, cũng như việc quản lý đoàn viên khi đi học tập, công tác ở nước ngoài. Theo chị Hương, để đoàn viên, thanh niên vững tin hội nhập, tổ chức Đoàn cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chỉ đạo, hướng dẫn đoàn cơ sở tổ chức các lớp cung cấp kiến thức, kỹ năng hội nhập cho thanh niên; tạo "sức đề kháng" trong quá trình thanh niên hội nhập, tránh những tư tưởng tiêu cực, sính ngoại, lan tỏa nhiều hơn những tấm gương tốt.
Ngày 28/9/2018, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn chính thức ban hành Đề án nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh, thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 với nhiều nội dung thiết thực. Trong suốt hơn 4 năm qua, nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu nhi Việt Nam đã được Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn triển khai, ngày càng hiệu quả, thiết thực, phong phú, đa dạng, giúp đông đảo đối tượng thanh thiếu nhi có thể tiếp cận với các nội dung thuộc Đề án. Trong thời gian tới, Ban Bí thư Trung ương Đoàn sẽ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030".
Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Hải cho rằng, cần tạo ra một thế hệ lao động trẻ có khả năng hội nhập quốc tế, góp phần để lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về năng lực ở khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, anh Ngô Minh Hải cho rằng, cần tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu quốc tế; có giải pháp cụ thể hỗ trợ đoàn viên, thanh niên các địa phương đến các nước học tập, lao động qua việc kết nối với các tổ chức Đoàn đang hoạt động tại nước ngoài để thanh niên Việt Nam ở trong và ngoài nước tăng cường gắn kết, cũng như có nhiều điều kiện hội nhập quốc tế hơn.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Góp ý vào văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, trong đó chú trọng nội dung công tác quốc tế thanh niên; đánh giá cao vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác đối ngoại thanh niên, trong hợp tác, khai thác các dự án, nguồn lực quốc tế để hỗ trợ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, đặc biệt là lĩnh vực tình nguyện vì cộng đồng, phát triển bền vững; tăng cường năng lực hội nhập quốc tế, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thanh niên trong số hóa và khởi nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đối ngoại phù hợp với nhiều đối tượng thanh thiếu nhi; giải pháp thực hiện Chương trình "Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030" và các nội dung nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam trong thời gian tới.
Nhiều đại biểu cũng đóng góp ý kiến về giải pháp phát huy linh hoạt phương thức tổ chức các hoạt động đối ngoại thanh niên trong tình hình mới; cơ chế hoạt động, chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trong hội nhập quốc tế, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức, hỗ trợ trang bị kiến thức, kỹ năng để đoàn viên, thanh niên chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.