Tại Diễn đàn “Xây dựng Đội vững mạnh - Vì đàn em thân yêu” các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý, đề xuất các giải pháp, mô hình có tính khả thi cao nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Trong đó, những vấn đề liên quan tới việc xây dựng, phát triển các cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tại các địa phương được nhiều đại biểu quan tâm góp ý.
Là người đầu tiên đóng góp ý kiến, đại biểu Trần Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương, Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đề cập vấn đề, hiện nay hoạt động chung của hệ thống cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tại nhiều nơi gặp khó khăn.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2017 - 2022 vừa qua, nhiều địa phương thực hiện sáp nhập các cung, nhà thiếu nhi với các trung tâm văn hóa hoặc các thiết chế văn hóa khác tại địa phương, dẫn đến nhiều nhà thiếu nhi gặp khó khăn về cơ chế và nguồn nhân lực, từ đó thiếu sự chăm chút cho các hoạt động của hệ thống nhà thiếu nhi, khiến cho nhiều nội dung dành cho thiếu nhi tại nhiều tỉnh, thành phố triển khai khó khăn.
Hiện nay, trên địa bàn cả nước, ở khu vực phía Bắc có 30 tỉnh, thành phố nhưng chỉ có 11 cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi, con số này ở phía Nam là 15/33 tỉnh, thành phố. Như vậy, có đơn vị có nhà thiếu nhi cấp tỉnh, thành phố, nhưng có đơn vị chỉ có nhà thiếu nhi cấp huyện. "Nếu như chúng ta thực sự dành những gì tốt nhất cho thiếu nhi thì mỗi địa phương ít nhất cũng cần dành ra cho thiếu nhi một cung hoặc nhà thiếu nhi. Đây là việc làm hết sức cần thiết", đại biểu Trần Thu Hà nhấn mạnh.
Theo đại biểu Trần Thu Hà, cần thiết phải có sự đầu tư, đề xuất các tỉnh, thành phố quan tâm; xác lập lại việc hình thành nhà thiếu nhi; tính toán lại về bộ máy, biên chế của hệ thống này. Hiện mỗi địa phương đang có cách thức vận hành khác nhau, chế độ dành cho đội ngũ tại các cung, nhà thiếu nhi không đồng đều. Bên cạnh đó, hệ thống nhà thiếu nhi đang rất khó khăn bởi các quy định về khai thác tài sản công nên việc xác lập các nội dung để khai thác hệ thống nhà thiếu nhi phục vụ ngược lại cho các hoạt động của thiếu nhi là rất thiếu, cần được xác lập lại.
Chia sẻ về vấn đề thực tế tại địa phương, đại biểu Quốc Thị Thanh Thảo, Bí thư Huyện đoàn Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, cho biết Bắc Quang được quan tâm đầu tư xây dựng nhà thiếu nhi cấp huyện từ năm 2009, tuy nhiên ngân sách địa phương lại không có nguồn phân bổ để chi cho các hoạt động thường xuyên. Vì thế nhà thiếu nhi được xây dựng nhưng không được duy trì tổ chức hoạt động. Đến năm 2021, từ thực tế không duy trì hoạt động, UBND huyện đã xây dựng đề án chuyển mô hình nhà thiếu nhi cho trung tâm văn hóa huyện quản lý. Thực trạng này không chỉ xảy ra tại một số huyện của tỉnh Hà Giang, mà đang xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước.
"Khó khăn nảy sinh khi Huyện đoàn muốn giữ lại nhà thiếu nhi thì được yêu cầu chứng minh nhà thiếu nhi bắt buộc phải trực thuộc Huyện đoàn. Khi đưa ra hệ thống pháp lý mới thấy, chúng ta chưa có đủ cơ sở mạnh để chứng minh được hệ thống nhà thiếu nhi đó chắc chắn trực thuộc tổ chức của Đoàn - Đội. Tôi mong rằng, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương có những tham mưu, đề xuất mạnh hơn để giữ được các nhà thiếu nhi trực thuộc tổ chức của Đoàn, Đội”, đại biểu Thanh Thảo bày tỏ.
Về vấn đề này, anh Lê Hải Long, Trưởng ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương - Chủ trì diễn đàn cho biết, việc các cung, nhà thiếu nhi hoạt động kém hiệu quả thời gian qua có ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19. Không chỉ riêng hệ thống cung, nhà thiếu nhi, mà nhiều thiết chế văn hóa khác, đặc biệt là các trung tâm dịch vụ cũng ảnh hưởng rất nhiều. Việc sụt giảm số lượng cung, nhà thiếu nhi đã được Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương lên tiếng kiến nghị rất nhiều lần tại nhiều diễn đàn, cuộc họp với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan.
Anh Lê Hải Long cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu tham góp tại Diễn đàn để truyền đạt, đề xuất với Đại hội; đồng thời mong muốn các cấp đoàn hội ở cơ sở có tinh thần quyết tâm, củng cố và phát triển các thiết chế này ngay tại cơ sở.