Phó Thủ tướng đồng ý Bộ Tư pháp có văn bản gửi Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định "có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu được ngăn chặn kịp thời" thuộc khoản 4 các Điều 260, 262, 267, 268, 272, 273, 278 và khoản 1 Điều 277 của Bộ Luật hình sự; đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số tình tiết cụ thể có thể coi là "có nguy cơ gây tai nạn cao" nhưng chưa được quy định rõ ràng, cụ thể tại các tội về xâm phạm an toàn giao thông của Bộ Luật hình sự.
Thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo sơ kết 6 tháng năm 2019, còn 11 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2018.
Tình trạng lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích vẫn diễn biến phức tạp trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông và các đợt khám sức khỏe bắt buộc tập trung do ngành Giao thông Vận tải, Y tế thực hiện, tỷ lệ xử lý còn thấp so với thực tế. Vai trò, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải, chủ xe trong việc phát hiện, ngăn ngừa lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích còn rất hạn chế...
Một trong nguyên nhân, dẫn đến tồn tại, hạn chế trên là do công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và trật tự an toàn giao thông còn nhiều hạn chế; công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, đôi khi còn có sự lúng túng, chất lượng văn bản chưa cao...
Để thực hiện được mục tiêu kéo giảm từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông trong năm 2019 và những năm tiếp theo, tại Thông báo số 273/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu trên.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng mạnh khung và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt có chế tài tước giấy phép lái xe vĩnh viễn với lái xe kinh doanh vận tải sử dụng ma túy hoặc tái phạm vi phạm quy định về nồng độ cồn ở mức cao khi điều khiển phương tiện cơ giới.
Với những hành vi có bản chất là vi phạm về hình sự đe dọa sự an toàn và tính mạng của người dân cần có kiến nghị chuyển sang xử lý về hình sự (như các vi phạm nghiêm trọng quy định về nồng độ cồn khi lái xe); phối hợp với Bộ Công an có văn bản gửi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề nghị có hướng dẫn cụ thể để sớm có thể áp dụng chế tài đã quy định trong Bộ Luật hình sự đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao có nguy cơ cao gây tai nạn.
Cùng với đó, đề nghị các cơ quan tố tụng và tư pháp xử lý nghiêm và kịp thời các vụ vi phạm nghiêm trọng về trật tự an toàn giao thông, tăng cường sự giám sát của nhân dân nhằm phát hiện những tiêu cực, sai trái trong quá trình xét xử.