Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân trong bối cảnh mới

Ngày 10/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) tổ chức Tọa đàm "Phát huy truyền thống vẻ vang - viết tiếp trang sử mới" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Liên hiệp Hữu nghị (17/11/1950-17/11/2020). 

Tham dự buổi Tọa đàm có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị, đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện một số tổ chức thành viên ở Trung ương. Đại diện các Liên hiệp Hữu nghị tỉnh/thành phố tham gia theo hình thức trực tuyến.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Truyền thống vẻ vang

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhấn mạnh, đây là hoạt động quan trọng trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống của Liên hiệp Hữu nghị.

Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, cách đây 70 năm, ngày 17/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị Hòa bình Việt Nam lần thứ nhất thành lập ra Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam, tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ngày 3/12/2008, tại Thông báo số 204, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã đồng ý lấy ngày 17/11/1950 là Ngày truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên cùng các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân trên cả nước đã có những đóng góp quan trọng trong việc huy động nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên đã không ngừng củng cố, mở rộng, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế phát triển ổn định, đi vào chiều sâu. Liên hiệp hữu nghị đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 1.200 tổ chức quốc gia, khu vực, quốc tế; tổ chức hàng nghìn hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác với nhiều hình thức rất sáng tạo và phong phú.

Trước những diễn biến phức tạp và tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhiều bạn bè, đối tác quốc tế đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hữu nghị đã quyên góp, ủng hộ tiền, trang thiết bị y tế với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng hỗ trợ đối tác và nhân dân các nước bị ảnh hưởng; qua đó tăng cường quan hệ với các đối tác, thể hiện truyền thống đùm bọc, sẻ chia của dân tộc Việt Nam và vai trò tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế.

Yếu tố làm nên thắng lợi

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã ôn lại lịch sử, truyền thống công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp Hữu nghị; khẳng định vị trí, vai trò của công tác đối ngoại nhân dân và Liên hiệp Hữu nghị trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phong trào nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; giáo dục, phát huy truyền thống, tạo động lực mới cho cán bộ, công chức trong toàn hệ thống Liên hiệp Hữu nghị quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Liên hiệp Hữu nghị, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Chia sẻ những yếu tố làm nên thành công của đối ngoại nhân dân Việt Nam thời gian qua, ông Trần Đắc Lợi, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Đảng khẳng định, đó là đường lối đúng đắn để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước.

Trước đây, trong quá trình giành độc lập, Việt Nam đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Ngày nay, đường lối đối ngoại duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở đề cao nguyên tắc cơ bản Hiến chương Liên hợp quốc của Việt Nam cũng là xu hướng và nguyện vọng của nhân dân các nước. Điều này góp phần tạo ra không gian rộng lớn trong hợp tác với các nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam có được chủ trương sách lược, phương thức hết sức sáng tạo trong đối ngoại nhân dân. Những bài học về đề cao đối ngoại nhân dân được Bác Hồ chỉ đạo từ sớm. Cùng đó là bài học phát huy sức mạnh dân tộc trong công tác đối ngoại, gắn bên trong với bên ngoài cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước; bài học "dĩ bất biến ứng vạn biến" với nhiều sáng tạo góp phần vào thắng lợi của đối ngoại nhân dân.

Ông Trần Đắc Lợi cũng cho rằng, yếu tố làm nên thành công của đối ngoại nhân dân còn là đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân có tâm huyết, trí tuệ, có sự tin cậy, ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế.

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới

Đánh giá tình hình thế giới, khu vực, Việt Nam hiện tại và tương lai, các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi định hướng, nhiệm vụ, đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Đồng chí Phạm Văn Chương, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á - Phi - Mỹ La tinh tại buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đại sứ Vũ Xuân Hồng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị cho rằng, thời gian tới, Liên hiệp Hữu nghị nên thực hiện những dự án lớn về truyền thống của Liên hiệp Hữu nghị và công tác đối ngoại nhân dân thời gian qua theo hướng bài bản, công phu, có thu thập chứng cứ, tài liệu và những câu chuyện thực tế. Đồng thời, có thể phát triển ý tưởng xây dựng Bảo tàng đối ngoại nhân dân nhằm lưu giữ những tư liệu lịch sử quý giá cho thế hệ sau. Đại sứ đề nghị: Liên hiệp Hữu nghị ngày nay cần tính đến nhiều kịch bản của Liên hiệp Hữu nghị trong tương lai.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định, những ý kiến tại Tọa đàm vô cùng quý báu, giúp định hướng công tác đối ngoại nhân dân thời gian tới. Chỉ thị 38 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới là trọng tâm nhiệm vụ thời gian tới.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định, đối mặt với thách thức mới, bối cảnh khác, yêu cầu khác, việc tập hợp lực lượng triển khai công tác đối ngoại nhân dân ở trong và ngoài nước cũng phải thực hiện khác. Từ những ý kiến của thế hệ đi trước, Liên hiệp Hữu nghị cùng các cơ quan liên quan thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đối ngoại nhân dân theo hướng hiệu quả, chủ động linh hoạt, sáng tạo. Đồng thời, phát huy vai trò chủ động, tích cực của các tổ chức ở Trung ương và địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng bản lĩnh chính trị; chuyên nghiệp, gắn bó với Liên hiệp Hữu nghị.

TTXVN/Báo Tin tức
Đồng chí Nguyễn Phương Nga tái đắc cử Bí thư Đảng bộ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Phương Nga tái đắc cử Bí thư Đảng bộ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Ngày 16/7, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) tổ chức Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN