Với tinh thần dân chủ, đoàn kết và nhất trí cao, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 9 đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tái đắc cử Bí thư Đảng ủy Liên hiệp Hữu nghị khóa IX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Công tác đối ngoại nhân dân phát triển theo chiều sâu
Theo Báo cáo chính trị được Phó Bí thư Thường trực kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị Phan Anh Sơn trình bày tại Đại hội, trong nhiệm kỳ vừa qua, Liên hiệp Hữu nghị đã quán triệt sâu sắc phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân phát triển theo chiều sâu quan hệ hợp tác với nhân dân các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, các nước bạn bè truyền thống, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, các tổ chức cánh tả, tiến bộ, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại của đất nước.
Nhiều hoạt động lớn, có ý nghĩa sâu sắc đã được tổ chức thành công như: “Theo chân Bác” tại Lào và Thái Lan tháng 5/2015; “Theo dấu chân Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản” tháng 12/2015; Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt – Lào lần thứ IV tại Lào nhân Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017; Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam – Campuchia lần thứ IV tại Việt Nam nhân Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2017; Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019). Cùng với đó, 16 tỉnh có chung đường biên giới với Lào và Campuchia đã thành lập các hội hữu nghị song phương. Các chương trình “Ươm mầm Hữu nghị” “Hướng tới tương lai” hỗ trợ các sinh viên Lào và Campuchia đang theo học tại Việt Nam được đẩy mạnh và nhân rộng tại nhiều địa phương.
Liên hiệp Hữu nghị cũng góp phần tích cực vào việc duy trì quan hệ hữu nghị, sự phát triển ổn định của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Các hoạt động chuyên đề có quy mô lớn, ý nghĩa chính trị tốt được tổ chức nhân dịp các ngày lễ lớn của hai dân tộc hoặc bên lề các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước như: Khánh thành Cung Hữu nghị Việt – Trung vào tháng 11/2017; tổ chức 5 kỳ Diễn đàn nhân dân Việt – Trung.
Nhiều hoạt động như trao đổi đoàn, tổ chức diễn đàn, tọa đàm, triển lãm, thi vẽ tranh, thi thuyết trình, triển khai các dự án nhân đạo, từ thiện, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, du lịch… đã được tổ chức giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước ASEAN, Cuba, Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, các đối tác ở Đông và Tây Âu, Mỹ và các nước Mỹ La-tinh, nhiều nước khác ở châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi. Liên hiệp Hữu nghị cũng mở rộng quan hệ, tích cực vận động các tổ chức và cá nhân góp phần vào việc thúc đẩy hòa giải, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, khắc phục hậu quả chiến tranh (bom mìn, vật nổ, người mất tích, chất độc da cam/đi-ô-xin…) và tham gia vào công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ Việt Nam và quân nhân Mỹ mất tích (MIA Mỹ).
Liên hiệp Hữu nghị tham gia, đóng góp tích cực, trách nhiệm vào các diễn đàn đa phương quan trọng như: Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á – Âu, Diễn đàn xã hội thế giới, Hội đồng Hòa bình thế giới, Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ có quy chế tư vấn tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC)… huy động đoàn kết quốc tế ủng hộ Việt Nam và đóng góp cho phong trào nhân dân thế giới vì tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu, Liên hiệp Hữu nghị đã tích cực vận động các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ người dân Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 đồng thời quyên góp tiền, trang thiết bị y tế trợ giúp nhân dân các nước bạn.
Trong công tác phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với 1.171 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó có 504 tổ chức hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; gắn mục tiêu vận động viện trợ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội với mục tiêu chính trị đối ngoại và bảo đảm an ninh-chính trị; hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến vận động viện trợ, tổ chức các cuộc tập huấn cho các địa phương/ tổ chức nhân dân. Tính từ năm 2015 đến năm 2019, tổng giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân đạt trên 1,4 tỷ USD thông qua hàng nghìn dự án và các khoản viện trợ phi dự án tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khẳng định: Đại hội lần thứ IX được tiến hành giữa lúc toàn đảng, toàn quân và toàn dân đang nhất trí đồng lòng nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Tại Liên hiệp Hữu nghị, các chi bộ, các ban, đơn vị trực thuộc đang tích cực triển khai nghị quyết Đại hội VI của Liên hiệp Hữu nghị và sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng 70 năm Ngày truyền thống của Liên hiệp Hữu nghị (17/11/1950-17/11/2020).
Thời gian qua, 10 Chi bộ của Đảng bộ Liên hiệp Hữu nghị đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020-2022, đảm bảo yêu cầu, chất lượng, kế hoạch, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, bổ ích với trách nhiệm cao vào dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ Liên hiệp Hữu nghị, Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương cũng như dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga nhận định, đất nước ta đang đứng trước những vận hội mới song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là biến chuyển hết sức nhanh chóng trong tình hình thế giới tác động toàn diện, sâu rộng và lâu dài của đại dịch COVID-19 làm thay đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống quốc tế cả về chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội và quan hệ quốc tế. Tình hình đó đòi hỏi Đảng bộ Liên hiệp Hữu nghị phải thực sự là một tổ chức vững mạnh, có đủ năng lực lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng cơ quan thực hiện thành công Chỉ thị 38 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; từ đó, giúp Liên hiệp hữu nghị thích ứng được với tình hình mới, hoàn thành tốt sứ mệnh là lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường tình hữu nghị với nhân dân các nước, huy động sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế, tích cục góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng đất nước,bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại hội đã tập trung kiểm điểm, đánh giá những mặt đạt được, những khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Liên hiệp Hữu nghị; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIII; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Liên hiệp Hữu nghị lần thứ IX nhiệm kỳ 2020-2025; tổ chức Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ Liên hiệp Hữu nghị lần thứ IX nhiệm kỳ 2020-2025.