Dự Hội thảo có: Giáo sư, Tiến sỹ, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương...
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đường lối, quan điểm đó của Đảng đã được cụ thể hóa bằng các chiến lược như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Luật An ninh mạng...
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, với tốc độ phát triển internet như hiện nay, ngoài những tác động tích cực, các thế lực thù địch còn lợi dụng các ứng dụng mạng viễn thông, công nghệ số để tuyên truyền những tư tưởng sai trái, thù địch, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Hàng loạt chiến dịch tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chia rẽ nội bộ, kích động bạo loạn, gây rối an ninh, trật tự liên tục diễn ra trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh mạng và nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong tình hình mới được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; phát huy vai trò và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Theo Giám đốc, Tổng biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở Việt Nam những năm gần là vấn đề khá mới và đặt ra nhiều thách thức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đất nước. Đây cũng là đề tài của nhiều công trình nghiên cứu, chủ đề của các Hội thảo khoa học ở các cấp độ khác nhau, trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là của ngành công an.
Hội thảo cũng làm rõ hơn những khía cạnh của vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn ở Việt Nam; là cơ sở quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền tối cao, tuyệt đối, đầy đủ và riêng biệt Nhà nước quản lý, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bằng chính sách, pháp luật và năng lực công nghệ phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định của luật pháp quốc tế.
Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, cần xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh; xây dựng lực lượng chuyên trách đủ năng lực, chủ động đối phó với mọi nguy cơ xảy ra trên không gian mạng. Đặc biệt, hoàn thiện, nâng cao năng lực đảm bảo an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia cho các cơ quan, ban, ngành, địa phương…
Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, an ninh trên không gian mạng là lĩnh vực hoàn toàn mới, phức tạp và nhạy cảm. Để công tác này đạt hiệu quả cao, sau khi Hội thảo kết thúc, Bộ Công an cần có tổng kết, xác định những rõ thuận lợi, khó khăn, thách thức với công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Từ đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân để triển khai, áp dụng kế hoạch vào thực tiễn. Đặc biệt, Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, đội ngũ nhân lực chuyên trách, nòng cốt về lĩnh vực này phải giỏi về chuyên môn, chuyên nghiệp và có bản lĩnh vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao đứng thứ hai trong các loại tội phạm nguy hiểm nhất, sau tội phạm khủng bố và 90% tội phạm truyền thống đã chuyển sang môi trường mạng hoặc có sử dụng các thiết bị công nghệ cao. Do đó, vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức mới từ không gian mạng, nổi bật là hành vi tấn công mạng có chủ đích vào cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu; giả mạo các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, lực lượng Công an, tổ chức, doanh nghiệp để đánh cắp dữ liệu cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tạo lập các sàn giao dịch, ứng dụng, website kiếm tiền lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, đầu tư, kinh doanh bảo hiểm, vàng, tiền điện tử... Trong khi đó, hiện nay Việt Nam chưa tự chủ hoàn toàn về công nghệ, nhiều công ty cung cấp dịch vụ người dùng hoặc vận hành công nghệ cho Việt Nam đều do phía nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất chủ quyền an ninh thông tin của Việt Nam.
Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Đại tướng Tô Lâm yêu cầu lực lượng Công an tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng.
Đặc biệt, lực lượng Công an cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo của ngành, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.