Theo ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội dành thời gian khoảng 5 ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021. Xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026).
Sau đó, Quốc hội dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Theo chương trình dự kiến kỳ họp, ngày 31/3 Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội; ngày 2/4 Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước; ngày 5/4 Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ.
Trả lời báo chí về chất lượng đại biểu, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội cho biết: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có nhiều đại biểu Quốc hội bị đưa ra xem xét tư cách đại biểu, kể cả có những đại biểu giữ cương vị cao trong bộ máy nhà nước vi phạm đã bị đưa ra xem xét. “Rõ ràng việc đổi mới của Quốc hội có sự song hành của Chính phủ và sự cương quyết của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng. Trong số 494 đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa XIV đều đủ tư cách, nhưng khi các đại biểu đã trúng cử, việc thẩm tra tư cách đại biểu đã phát hiện những đại biểu không còn đủ tư cách nên đã đưa ra khỏi Quốc hội”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Rút kinh nghiệm tại kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, các đại biểu chuyên trách phải đảm bảo tuổi, áp dụng theo Bộ Luật lao động. “Không vì cơ cấu mà làm giảm đi chất lượng của đại biểu”, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Video họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV:
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, các chức danh chủ chốt như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng đều phải trình theo trình tự thủ tục, ứng cử viên phải được Quốc hội xem xét. Về mặt nguyên tắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình nhân sự Chủ tịch nước để Quốc hội bầu.
"Còn nhân sự Thủ tướng thì do Chủ tịch nước giới thiệu. Tất cả theo quy trình của Luật Tổ chức Quốc hội và luật Tổ chức Chính phủ”, ông Tuấn Anh cho hay.
Trả lời báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, Quốc hội lần này chỉ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước chứ không phải kiện toàn tất cả và đây là kiện toàn cho khoá XIV.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Hiến pháp quy định một nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm. Đến tháng 7/2021, sau khi bầu cử xong, tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thì kết thúc khoá XIV chuyển sang khoá XV.
“Tôi không tham gia làm Tổng Thư ký nữa nhưng tôi vẫn làm đại biểu Quốc hội khoá XIV đến khi bầu ra Quốc hội khoá mới. Tới lúc đó tôi mới chính thức không còn là đại biểu Quốc hội khoá XIV nữa”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng 24/3. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 12 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 8/4).